Quân đội Philippines hôm 27-9 cho biết cuộc tập trận SAMASAMA kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ ngày 2-10.
Địa điểm là ngoài khơi các tỉnh Sorsogon và Catanduanes ở đảo Luzon.
Các lực lượng trên biển của Hải quân Philippines diễn tập hồi tháng 5. Ảnh: ABS-CBN
Theo kênh GMA, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản sẽ triển khai tàu khu trục Akebono để huấn luyện cùng với tàu khu trục Antonio Luna của Hải quân Philippines và hai tàu của Hải quân Mỹ, gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Dewey và tàu chở hàng Wally Schirra.
Theo Lực lượng Vũ trang Philippines, các tàu hải quân từ Canada và Anh cũng sẽ tham gia.
Khoảng 170 binh sĩ Nhật Bản sẽ tham gia tập trận, cùng với 240 binh sĩ từ Úc. Một số binh sĩ từ Pháp, New Zealand và Indonesia cũng sẽ tham gia.
Quân đội Philippines cho hay cuộc tập trận thường niên sẽ bao gồm các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm và tàu chiến, trong số các hoạt động khác.
Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản từng tham gia cuộc tập trận SAMASAMA trong những năm trước. Hồi tháng trước, Nhật Bản đã cử tàu khu trục Izumo và Samidare tập trận chung với Mỹ, Úc và Philippines ở biển Đông.
Trong diễn biến liên quan, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines kêu gọi ngư dân tiếp tục hoạt động tại bãi cạn Scarborough và các khu vực khác ở biển Đông, đồng thời cam kết tăng cường tuần tra tại đó bất chấp sự hiện diện của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela cho rằng các tàu Philippines không thể duy trì sự hiện diện thường xuyên nhưng cam kết bảo vệ quyền lợi của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cắt hàng rào dây phao gần bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines
Hôm 25-9, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cắt hàng rào dây phao dài 300 m mà Trung Quốc lắp đặt tại Scarborough - bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro cho biết việc Philippines cắt hàng rào dây phao không phải là hành động khiêu khích.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 27-9 chỉ trích hành động của Philippines. Ông Hu Bo, giám đốc tổ chức Sáng kiến Thăm dò Tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ về vấn đề liên quan bãi cạn Scarborough.
Bình luận (0)