Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đã đồng ý nộp phạt 3 tỉ USD để dàn xếp vụ kiện về gian lận chăm sóc sức khỏe ở Mỹ. Đây được xem là thỏa thuận dàn xếp lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử Mỹ.
Tiếp thị trái phép
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 2-7 cho biết GSK thừa nhận đã tiếp thị tại thị trường Mỹ những loại thuốc chưa được cấp phép, che giấu những dữ liệu liên quan đến mức độ an toàn của các loại dược phẩm và có hành vi lừa gạt chương trình Medicaid của Chính phủ Mỹ.
Cuộc điều tra của bộ này cho thấy GSK đã tiếp thị thuốc chống trầm cảm Paxil cho bệnh nhân dưới 18 tuổi dù chỉ được phép bán nó cho người trưởng thành. Ngoài ra, GSK còn quảng bá những công dụng chưa được cấp phép của một số loại thuốc khác, như thuốc chống trầm cảm Wellbutrin và thuốc trị hen suyễn Advair.
Trụ sở hãng dược phẩm GlaxoSmithKline ở London (Anh). Ảnh: AP
GSK cũng nhận tội không báo cáo cho Chính phủ Mỹ những vấn đề liên quan đến thuốc tiểu đường Avandia trong 7 năm. Loại thuốc này đã bị hạn chế sử dụng ở Mỹ và bị cấm lưu hành ở châu Âu sau khi người ta phát hiện nó làm gia tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ vào năm 2007. GSK còn bị cáo buộc đã bán thuốc với giá quá cao cho chương trình Medicaid và trả tiền “lại quả” cho các bác sĩ để họ ưu ái kê đơn các loại thuốc của hãng này.
Ngoài mức phạt 3 tỉ USD (gồm 1 tỉ USD tiền phạt hình sự và 2 tỉ USD để giải quyết các khiếu nại dân sự), GSK còn phải chịu sự giám sát của Chính phủ Mỹ trong 5 năm nhằm bảo đảm rằng công ty này tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về tiếp thị và những quy định khác. Ông Andrew Witty, Giám đốc điều hành GSK, hôm 2-7 đã bày tỏ sự hối tiếc và cho biết công ty “đã học được từ những sai lầm này”.
Đặt lợi nhuận lên trên bệnh nhân
Vụ kiện nhằm vào GSK được khởi xướng từ tố cáo của 2 nhân viên bán hàng của công ty là Greg Thorpe và Blair Hamrick vào năm 2003. Trước đó, 2 nhân viên này đã báo cáo lên cấp trên về những hành vi tiếp thị sản phẩm trái phép của công ty.
Một cuộc điều tra nội bộ sau đó xác nhận những tố cáo này là đúng sự thật nhưng ban lãnh đạo GSK không làm gì để ngăn chặn những hành vi sai trái nói trên. Thay vào đó, họ còn buộc Thorpe nghỉ việc và sa thải Hamrick với cáo buộc không hợp tác với cuộc điều tra nội bộ của công ty. Với thỏa thuận dàn xếp nói trên, Thorpe, Hamrick cùng với 2 nhân viên của GSK sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường nhưng chưa rõ con số cụ thể.
Hãng tin AP cho biết đây là thỏa thuận dàn xếp mới nhất liên quan đến những công ty dược phẩm đặt lợi nhuận lên trên bệnh nhân ở Mỹ. Trước đó, vào tháng 5, hãng Abbott Laboratories đã nhận tội tiếp thị thuốc chống động kinh Depakote với những công dụng khác chưa được cấp phép.
Công ty này đã đồng ý nộp phạt 700 triệu USD cho nhà chức trách Mỹ và bỏ ra thêm 800 triệu USD để dàn xếp các đơn kiện dân sự. Vào năm 2009, hãng dược phẩm lớn nhất thế giới Pfizer Inc đã phải nộp phạt 2,3 tỉ USD do tiếp thị sai 13 loại thuốc khác nhau ở Mỹ. Pfizer cũng bị cáo buộc khuyến khích bác sĩ kê đơn thuốc của họ để đổi lấy những chuyến đi nghỉ mát miễn phí.
Những vụ việc trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ Mỹ trong việc trấn áp những hành vi sai trái của các công ty dược, như tiếp thị những loại thuốc chưa được phép sử dụng. Phó Tổng chưởng lý Mỹ James M. Cole tuyên bố tại một cuộc họp báo hôm 2-7: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức gian lận chăm sóc sức khỏe nào”.
Bình luận (0)