Theo phát ngôn viên quân đội Achmad Riad, khu vực được xác định cách đảo Bali khoảng 40 km về phía Bắc, nơi vết dầu loang được phát hiện gần khu vực tàu ngầm lặn và vật thể có khả năng xuất phát từ tàu ngầm được tìm thấy.
Ông Riad cho biết trong cuộc họp báo hôm 23-4 một tàu hải quân đã phát hiện vật thể có "từ tính cao" ở độ sâu từ 50 đến 100 m và hải quân hy vọng tàu chiến Riguel được trang bị thiết bị xác định vật thể dưới nước công nghệ cao có thể tìm thấy tàu ngầm KRI Nanggala-402.
Trước đó, tàu ngầm do Đức sản xuất đã mất liên lạc trong một cuộc tập trận quân sự ở eo biển Bali vào sáng sớm 21-4.
Hải quân Indonesia có thể đã xác định được vị trí tàu ngầm KRI Nanggala-402. Ảnh: Quân đội Indonesia
Các tàu có khả năng công nghệ cao cũng tham gia nỗ lực tìm kiếm hôm 23-4, thành lập một đội tìm kiếm bao gồm 21 tàu chiến Indonesia, một tàu ngầm và các tàu bổ sung từ bộ phận cứu hộ và cảnh sát Indonesia.
Hai tàu chiến của Úc cũng đã tham gia nỗ lực tìm kiếm. Bộ Quốc phòng Úc cho biết: "Các tàu Ballarat và Sirius đang hoạt động trên biển ở các khu vực riêng biệt, khẩn trương đến khu vực tìm kiếm".
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby hôm 22-4 cho hay Mỹ cũng đã điều máy bay đến khu vực tìm kiếm. Một quan chức quốc phòng nói với đài CNN 3 máy bay C-17 rời Căn cứ Không quân Dover hôm 23-4 cùng với các tàu và các thiết bị tìm kiếm cứu nạn dưới nước.
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono hôm 22-4 cho biết nguồn cung cấp oxy chỉ kéo dài trong 72 giờ kể từ khi tàu ngầm mất tích. Ông Margono cho biết có 2 khả năng giải thích cho sự cố dầu tràn trên mặt biển là bể chứa của tàu ngầm có thể bị rò rỉ do nó lặn quá sâu hoặc tàu ngầm tiết ra nhiên liệu trong nỗ lực trồi lên mặt nước.
Giám đốc điều hành Viện Hàng hải Quốc gia Indonesia Siswanto Rusdi nói với The Straits Times khả năng những người sống sót được tìm thấy trên chiếc tàu ngầm bị mất tích ở vùng biển ngoài khơi Bali là rất mong manh.
Trong khi đó, ông Bryan Clark thuộc Viện Hudson (Mỹ) và là chuyên gia về hoạt động hải quân nói với Channel NewsAsia hôm 23-4 rằng: “Oxy có thể được tạo ra bằng nến hóa chất trên tàu, nhưng carbon dioxide (CO2) tích tụ có thể khiến thủy thủ đoàn chết ngạt trước khi hết oxy”.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho rằng tàu ngầm có khả năng lặn sâu tới 500 m dưới mực nước biển nhưng các nhà chức trách ước tính nó đã chìm xuống dưới độ sâu đó thêm 100-200m.
Bình luận (0)