Bà Trịnh ra lệnh cho quan chức chính quyền đặc khu không sử dụng khẩu trang phẫu thuật, chỉ trừ trong một số trường hợp hạn chế, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp cho đội ngũ y tế làm việc ở tuyến đầu trong công cuộc chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCov).
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga không đeo khẩu trang khi xuất hiện trong cuộc họp báo nói về quy định mới, yêu cầu công chức Hồng Kông hạn chế sử dụng khẩu trang phẫu thuật vào ngày 4-2. Ảnh: SCMP
Trả lời báo chí ngày 4-2, bà Trịnh cho biết chính quyền đặc khu sẽ cắt giảm việc sử dụng vật dụng che mặt, như một hành động hưởng ứng khi nhu cầu toàn cầu gia tăng. South China Morning Post cho biết đây là ngày thứ hai liên tiếp đặc khu trưởng xuất hiện trên truyền thông mà không sử dụng khẩu trang.
Bà Trịnh nói: "Chúng tôi tin rằng chính quyền nên đi đầu. Do đó, chúng tôi đã ban hành hướng dẫn nội bộ, yêu cầu tất cả ban ngành tuân thủ trong vấn đề sử dụng khẩu trang. Mục tiêu là để bảo vệ nguồn cung ứng khẩu trang cho đội ngũ y tế".
Bà Trịnh nhấn mạnh chỉ những nhân viên chính phủ bị ốm, làm các công việc ở tuyến đầu chống dịch, hoặc phải xuất hiện ở những địa điểm đông người mới cần đeo khẩu trang, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Chúng tôi xem xét tất cả các quan chức sẽ gặp gỡ các phương tiện truyền thông, cũng như trong công việc thường ngày của họ. Nếu không phù hợp với các tiêu chí đưa ra, họ không được phép đeo mặt khẩu trang. Nếu mỗi người đều sử dụng một số ít khẩu trang mỗi ngày thì điều đó sẽ gây sức ép rất lớn lên nguồn cung vốn đã thiếu hụt" – bà Trịnh kêu gọi các phương tiện truyền thông cân nhắc áp dụng biện pháp tương tự.
Nhân viên các bệnh viện công tại Hồng Kông tổ chức đình công đòi đóng cửa toàn bộ ranh giới với Trung Quốc đại lục. Ảnh: SCMP
Hồng Kông ngày 4-2 xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do lây nhiễm virus corona. Bệnh nhân là một người đàn ông 39 tuổi, từng di chuyển từ Hồng Kông tới TP Vũ Hán bằng tàu cao tốc vào ngày 21-1, và từ TP Trường Sa (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) về Hồng Kông vào ngày 23-1.
Trong khi đó, cuộc đình công của gần 3.000 nhân viên y tế tiếp tục diễn ra, yêu cầu chính quyền đặc khu ban hành lệnh cấm nhập cảnh với du khách đến từ đại lục. Lãnh đạo các bệnh viện tại Hồng Kông nói cuộc đình công bắt đầu từ ngày 3-2 đang tác động tiêu cực đến những đơn vị cấp cứu và nhiều chuyên khoa tại các bệnh viện như hồi sức tích cực, ung thư, xạ trị, cũng như các đơn vị cách ly người mang bệnh truyền nhiễm.
Một giám đốc thuộc Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông, nói khối bệnh viện công đang trong tình trạng rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Vị lãnh đạo này kêu gọi nhân viên y tế quay lại nhiệm sở.
Trước đó, Hồng Kông áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với những người đến từ tỉnh Hồ Bắc - địa phương có dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc.
Kẻ đầu cơ bị phạt đến tán gia bại sản
Theo quy định mới về hành vi găm hàng tăng giá hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Phó bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông Vương Thư Kiên cho biết nếu biên độ chênh lệch giữa giá nhập và giá bán của các vật dụng phòng dịch virus corona và nhu yếu phẩm sinh hoạt vượt quá 35% thì các đơn vị kinh doanh sẽ bị xác định là có hành vi đội giá, sẽ bị cơ quan quản lý thị trường các cấp xử lý nghiêm.
Trước đó, Bí thư tỉnh ủy Sơn Đông Lưu Gia Nghĩa cảnh báo những kẻ đầu cơ phải bị phạt đến tán gia bại sản. Đến nay, có 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này có hành vi kinh doanh trái phép khi đẩy cao giá bán khẩu trang, bị phạt từ 1 triệu đến 400.000-500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỉ đồng).
Bình luận (0)