Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm đề ra các phương án đối phó. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội đã tăng cường giám sát dọc theo biên giới liên Triều cùng với quân đội Mỹ nhưng chưa phát hiện hành động bất thường nào.
Binh lính Hàn Quốc theo dõi thông tin ông Kim Jong-il qua đời. Ảnh: AP
Chỉ vài phút sau khi báo chí đưa tin ông Kim Jong-il quan đời, thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng loạt giảm điểm.
Chỉ số KOSPI giảm 89,36 điểm, tương đương 4,87%, xuống còn 1.750,6 điểm trong khi chỉ số Nikkei giảm 70,72 điểm, tương đương 0,84% xuống còn 8.288,21. |
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã thành lập đội giám sát khủng hoảng về vấn đề Triều Tiên, đồng thời ra lệnh cho các bộ trong chính phủ thu thập thông tin sau thông báo của hãng tin Triều Tiên KCNA.
Song song đó, chính phủ Nhật Bản đã gửi lời chia buồn. "Chúng tôi bày tỏ lòng tiếc thương về sự ra đi đột ngột của ông Kim Jong-Il, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản hy vọng diễn biến bất ngờ này sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” - người phát ngôn chính phủ Osamu Fujimura nói.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố rất cẩn trọng: "Tổng thống Obama đã biết tin và chúng tôi đang cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi vẫn cam kết vì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như tự do và an ninh cho các đồng minh của mình".
Khoảng 2 giờ sau khi có tin nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời, Tổng thống Hàn Quốc đã điện đàm với Tổng thống Obama. "Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ và cùng theo dõi tình hình" - người phát ngôn của Tổng thống Lee cho biết. Ông Lee Myung-bak cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và tiếp tục cuộc sống thường nhật.
Ông Kim thăm một đơn vị quân đội năm 2008. Ảnh: Reuters/KCNA
Cùng ngày, Trung Quốc bày tỏ sự đau buồn khi biết tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời, đồng thời tin tưởng Triều Tiên sẽ giữ vững đoàn kết và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ.
"Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới đất nước và nhân dân Triều Tiên trước sự mất mát lớn lao của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-il" - Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc. Ông Mã cũng ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-il là "nhà lãnh đạo vĩ đại", người đã có những đóng góp quan trọng cho quan hệ Trung - Triều.
"Chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Triều Tiên có thể biến đau thương thành sức mạnh và đoàn kết. Trung Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nhau đóng góp tích cực hơn nữa để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, chính phủ và nhân dân hai nước, đồng thời gìn giữ nền hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên cùng khu vực".
Người dân Nhật Bản theo dõi tin tức về sự qua đời của ông Kim Jong-il. Ảnh: Reuters
Trong 18 tháng qua, Chủ tịch Kim Jong-il đã tới Trung Quốc 4 lần. Tháng 8 vừa qua, ông cũng công du Nga lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Mục đích chính của các chuyến công du nói trên được tuyên bố là tìm kiếm hỗ trợ kinh tế.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ông Kim Jong-il cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc con trai út Kim Jong-un lên làm người kế nhiệm.
Không mời phái đoàn quốc tế dự lễ tang
Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, cả nước Triều Tiên sẽ để tang Chủ tịch Kim Jong-il từ ngày 17 đến 29-12.
Chủ tịch Kim Jong-il tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên năm 2005. Ảnh: Reuters
Lễ tang chính thức được ấn định vào ngày 28-12 tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sẽ không có phái đoàn quốc tế nào được mời tham dự lễ tang.
Sau lễ tang, vào ngày 29-12, Triều Tiên sẽ bắn đại bác và dành 3 phút mặc niệm để tưởng nhớ ông. Tất cả các đoàn tàu hỏa và tàu thủy sẽ đều kéo còi. |
Bình luận (0)