Vì bệnh viện điều trị Covid-19 gần nhất đã kín chỗ nên nam thanh niên 27 tuổi quyết định sử dụng hình thức khám bệnh từ xa (telemedicine). Dịch vụ này chưa được hợp pháp hóa chính thức tại Hàn Quốc và chỉ được phép triển khai trong khuôn khổ của các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó Covid-19 kể từ năm 2020.
Tương tự anh Kim, nhiều cư dân Hàn Quốc những tuần qua chọn phương án khám bệnh từ xa sau khi giới chức thông báo chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 từ 60 tuổi trở lên, theo Reuters.
"Thật thuận tiện khi được khám bệnh qua điện thoại và được cung cấp thuốc tận nhà thông qua một quy trình duy nhất. Hy vọng hình thức này sẽ được mở rộng ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc" - anh Kim bày tỏ.
Một bác sĩ trong một lần tư vấn cho bệnh nhân từ xa tại Trung tâm Y tế Công dân Seongnam, TP Seongnam – Hàn Quốc Ảnh: Yonhap
Trong nhiều thập kỷ, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc phản đối y tế từ xa vì những nỗi lo liên quan đến chẩn đoán sai và sử dụng sai thuốc. Dù vậy, xu hướng này đang dần được cộng đồng y tế Hàn Quốc đón nhận, nhất là khi có bằng chứng cho thấy nó có thể giúp thu hẹp khoảng cách dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn.
Cùng với sự gia tăng số lượng người sử dụng, sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol là dấu hiệu cho thấy y tế từ xa có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc.
Theo số liệu của Công ty Fortune Business Insights (Ấn Độ), Bắc Mỹ hiện là khu vực đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế từ xa, với giá trị thị trường ước tính đạt 57,26 tỉ USD năm 2020. Công ty này dự báo quy mô thị trường y tế từ xa toàn cầu có thể đạt giá trị 264 tỉ USD vào năm 2028, so với 127 tỉ USD năm 2020.
Bình luận (0)