Tờ Korea Times (Hàn Quốc) dẫn nhiều nguồn tin cùng nói nguyên nhân khiến Seoul giữ kín thông tin là để tránh Triều Tiên lấy đó làm cớ tấn công khiêu khích. Đầu tháng 4, Bình Nhưỡng từng dọa sẽ “đáp trả tàn nhẫn” bất cứ nỗ lực nào nhằm thu nhặt mảnh vỡ tên lửa của nước này. Hơn nữa, Seoul kín miệng vì sợ Bình Nhưỡng sẽ… đòi lại các mảnh vỡ.
Khu vực màu đỏ là nơi Hàn Quốc cho rằng các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên rơi xuống.
Bán đảo Triều Tiên nằm bên phải hình. Nguồn: Analytical Graphics, Inc.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin gì cả. Nhiều người đã chỉ trích việc đổ hàng chục triệu USD để tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa có thể kết thúc bằng thất bại và khơi lại căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên”.
Cũng theo phát ngôn viên này, tên lửa Unha-3 đã vỡ thành khoảng 20 mảnh ở độ cao 151 km sau khi bay được 1-2 phút. Khác với thông tin ban đầu rằng các mảnh vỡ rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, phát ngôn viên cho biết chúng rơi trên vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, hải quân Hàn Quốc sẽ chặn tàu tìm kiếm Triều Tiên do vùng biển trên nằm trong Khu vực được công nhận hoạt động (AAO) của Hàn Quốc.
Tờ JoongAng Daily dẫn nguồn tin quân sự cho biết hải quân Hàn Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm ở vùng biển cách bờ biển phía tây (giữa Pyeongtaek và Gunsan) khoảng 150 km. Ngoài tàu chiến, Hàn Quốc còn gửi thêm tàu gỡ mìn và giải cứu tàu ngầm cùng trực thăng chống tàu ngầm tham gia chiến dịch.
Trước đó, Hàn Quốc tỏ ra tự tin sẽ định vị và trục vớt thành công các mảnh vỡ của Unha-3. Đến ngày 14-4, đài truyền hình SBS của nước này đưa tin các tàu chiến đã vớt được một số mảnh vỡ và đang tiến hành phân tích để tìm hiểu công nghệ tên lửa của láng giềng.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin vụ phóng tên lửa Triều Tiên tại một ga điện ngầm ngày 13-4. Ảnh: Getty
Tuy vậy, giáo sư luật Lee Seok-woo của Đại học Inha cho rằng Seoul nên để tàu Triều Tiên vớt các mảnh vỡ ở vùng biển quốc tế để tránh căng thẳng gia tăng. “Đó là vùng biển quốc tế nên Triều Tiên có quyền tìm kiếm. Xung đột quân sự sẽ nổ ra nếu cả hai bên đều khăng khăng chủ quyền đối với các mảnh vỡ” – ông Lee nói.
Cùng quan điểm, ông Kim Yong-hwan, chuyên gia luật quốc tế của Hiệp hội Lịch sử Đông Bắc Á, gợi ý Seoul nên trao trả các mảnh vỡ nếu Bình Nhưỡng chịu trả các chi phí tìm kiếm.
Trong khi đó, ông Kim Suk-hyun, giáo sư luật của Đại học Dankook, lại phản đối. Theo ông Kim, Hàn Quốc không có nghĩa vụ phải trả mảnh vỡ vì vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm luật pháp quốc tế mười mươi. Giáo sư Kim lập luận: “Nếu ai đó mang vũ khí trái phép, tịch thu là chuyện hiển nhiên. Hơn nữa, Triều Tiên không có quyền ngăn cản Hàn Quốc thu thập các mảnh vỡ với lý do bảo vệ môi trường hoặc an toàn”.
Bình luận (0)