CHDCND Triều Tiên hôm 25-11 cảnh báo sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công quân sự nếu Hàn Quốc có “những hành vi khiêu khích quân sự khinh suất”. Hãng thông tấn KCNA dẫn lời một đại diện của quân đội Triều Tiên cho biết: “Nếu quân đội Hàn Quốc tiếp tục có hành vi khiêu khích quân sự khinh suất, quân đội chúng tôi sẽ không do dự thực hiện các cuộc tấn công đáp trả thứ hai và thứ ba”.
Nội các Hàn Quốc họp khẩn hôm 25-11 để bàn về vụ bắn pháo. Ảnh: YONHAP
Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã quy trách nhiệm vụ đấu pháo diễn ra hôm 23-11 cho phía Seoul. Theo KCNA, Hàn Quốc đã bắn đạn pháo về phía lãnh hải của Triều Tiên và quân đội nước này ngay lập tức phản pháo. Seoul đã bác bỏ cáo buộc này. Bên cạnh đó, theo Triều Tiên, Mỹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ đấu pháo vì vai trò của nước này trong việc vẽ đường biên giới lãnh hải “trái phép” sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953.
Tại Hàn Quốc, Văn phòng Tổng thống khẳng định sẽ tăng cường lực lượng quân sự trên 5 hòn đảo giáp lãnh hải Triều Tiên sau vụ đấu pháo giữa hai bên. Ông Hong Sang Pyo, thư ký cao cấp của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cho biết: “Chính phủ quyết định tăng cường đáng kể sức mạnh của các lực lượng quân sự, bao gồm bộ binh, tại 5 hòn đảo trên Hoàng Hải, đồng thời phân bổ nhiều ngân sách hơn cho nỗ lực đối phó với những mối đe dọa của Triều Tiên”. Cũng theo ông Hong Sang Pyo, quân đội sẽ thay đổi quy tắc giao chiến để phản ứng chủ động hơn với các cuộc xung đột. Quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp khẩn do Tổng thống Lee Myung-bak chủ trì để bàn về tác động an ninh và kinh tế của vụ đấu pháo.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ đấu pháo làm ít nhất 4 người Hàn Quốc thiệt mạng và gây nhiều thiệt hại cho đảo Yeonpyeong. Phát biểu trong chuyến thăm Nga hôm 24-11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời phản đối bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, coi đây là nền tảng cơ bản để duy trì sự ổn định và tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng bày tỏ mối lo ngại về kế hoạch tập trận chung Mỹ - Hàn theo sau vụ đấu pháo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cuộc tập trận hải quân nói trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Theo kế hoạch, cuộc tập trận này bắt đầu diễn ra từ ngày 28-11 và kéo dài 4 ngày với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS George Washington. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói cuộc tập trận nhằm phát đi một thông điệp rõ ràng liên quan đến tình hình hiện nay đến Triều Tiên. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, Seoul cũng đang cân nhắc một số biện pháp trả đũa Bình Nhưỡng, trong đó có việc đưa vụ đấu pháo ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, báo JoongAng Daily (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il và con trai út Kim Jong-un đã thăm căn cứ quân sự chỉ vài giờ trước khi đạn pháo được bắn từ đó về phía Hàn Quốc hôm 23-11. Các quan chức Hàn Quốc chưa có bình luận gì về thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chức
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã đệ đơn từ chức hôm 25-11, hai ngày sau cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên.
Vài giờ trước khi Bộ trưởng Kim Tae-young từ chức, các nhà lập pháp đã chỉ trích chính phủ, quả quyết rằng các quan chức quốc phòng không sẵn sàng cho cuộc tấn công hôm thứ ba và sự phản ứng của quân đội là quá chậm. Thậm chí, những người trong đảng cầm quyền của Tổng thống Lee Myung-bak đòi sa thải ông Kim, các lãnh đạo quân đội và một số phụ tá tổng thống.
Tổng thống Lee Myung-bak đã chấp nhận đơn từ chức của ông Kim và một bộ trưởng quốc phòng mới sẽ được thông báo vào ngày 26-11.
T.M |
Bình luận (0)