Ông không đơn độc. Như hàng ngàn người HQ khác, người giáo sư này đã tham gia một phong trào có quy mô quốc gia thu thập xoong, nồi, các dụng cụ, và những hàng hoá bằng kim loại khác giảm thiểu tình trạng thiếu nguyên liệu thô vốn đang đe doạ nền kinh tế nước này. “Cho đến nay chúng tôi đã thu thập được 900 kg phế liệu và mục tiêu của chúng tôi là 10.000 kg” – ông Park cho biết. “Chúng tôi muốn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đọan khó khăn mà họ đang phải trải qua do giá nguyên liệu tăng cao”.
Những nỗ lực của ông Park phản ánh tình trạng đáng báo động ở HQ về sự thiếu hụt các mặt hàng như kim loại, gỗ, than, khí đốt và dầu thô do sự gia tăng nhu cầu ở nước láng giềng Trung Quốc (TQ) gây ra. Trong 2 tháng đầu năm nay, HQ đã nhập khẩu 3,9 tỉ USD nguyên liệu thô, tăng 70% so với năm 2002 do giá tăng.
Sự phát triển nhanh chóng của TQ đang tạo một áp lực lớn lên các nguồn cung cấp nguyên liệu công nghiệp và tài nguyên. Năm ngoái, TQ đã tiêu thụ 36% sản lượng thép toàn cầu, 1/3 sản lượng than và hơn phân nửa sản lượng bê tông.
HQ không phải là nước duy nhất bị tác động bởi vấn đề này. Theo các số liệu mới nhất, giá nhiên liệu ở Mỹ tăng 4,7% trong tháng giêng, cho thấy giá hàng hoá đang tăng đang “đánh thuế” nền kinh tế thế giới như thế nào. Tuy nhiên, HQ càng dễ bị “tổn thương” do nước này có ít tài nguyên khiến nó trở thành một trong những nước nhập khẩu nguyên liệu thô nhiều nhất thế giới.
Các quan chức chính phủ HQ đã cảnh báo rằng sự lạm phát giá hàng hoá có thể hãm sự hồi phục của nền kinh tế đang trầy trật của nước này bằng cách tăng chi phí cho các nhà sản xuất chẳng hạn như các hãng ô tô và đóng tàu. Nó cũng sẽ làm giảm lợi nhuận xuất khẩu và tăng giá hàng hoá cho người tiêu dùng. Các công ty xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các hãng sản xuất thép và khách hàng của họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu phế liệu kim loại và quặng sắt – được dùng để chế tạo thép. Giá phế liệu đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên đến 340 USD/tấn. HQ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, đó là lý do vì sao việc thiếu hụt đã khiến những người tình nguyện như ông Park phải hành động.
Việc thu gom kim loại đã gợi cho người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, khi hàng triệu người đóng góp 2 tỉ USD nữ trang để củng cố nền tài chính quốc gia sau khi dự trữ ngoại tệ của nước này cạn kiệt. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người HQ biểu lộ ý thức nghĩa vụ công dân như ông Park và các “chiến hữu” của mình. Nạn ăn cắp các đồ vật bằng kim loại như biển báo tên đường và các cổng bằng thép, vẫn còn xảy ra ở đây. Đầu tháng này, một người đàn ông đã bị bắt quả tang đánh cắp 201 nắp cống bằng thép ở thành phố Daegu. Một tờ báo địa phương đã dẫn lại lời của anh ta nói rằng: “Tôi nghe thép phế liệu đắt giá, vì thế tôi ăn cắp những nắp cống này và bán chúng cho một tiệm đồng nát”.
Bình luận (0)