Kết quả các cuộc họp trong thượng đỉnh liên Triều lần 3 này (trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày của tổng thống Hàn Quốc) được ông Kim mô tả là "bước tiến nhảy vọt" trong việc đem lại hòa bình.
Còn ông Moon cho hay hai bên "đã đồng ý về phương cách đạt được phi hạt nhân hóa". "Miền Bắc đã đồng ý đóng cửa lâu dài địa điểm thử động cơ tên lửa kiêm bãi phóng Tongchang-ri, với sự chứng kiến của các chuyên gia đến từ các quốc gia có liên quan" – ông Moon nhấn mạnh sau lễ ký kết thỏa thuận được tổ chức tại nhà khách quốc gia Paekhwawon của Triều Tiên và truyền hình trực tiếp ở Seoul. Tùy thuộc vào hành động của phía Mỹ, Triều Tiên cũng sẽ cân nhắc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Hai nhà lãnh đạo Hàn – Triều và bản thỏa thuận được ký kết sau cuộc họp sáng 19-9. Ảnh: Yonhap
Ảnh: Reuters
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên hứa "sang thăm Seoul trong tương lai gần". Nếu xảy ra, đây sẽ là chuyến thăm thủ đô Hàn Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, hai miền còn có kế hoạch kết nối các tuyến đường sắt, tổ chức thêm các cuộc đoàn tụ gia đình và hợp tác về mảng y tế. Xa hơn, hai bên cũng có ý định đồng đăng cai Olympic mùa hè năm 2032.
Đặc biệt, về mặt quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Triều Tiên No Kwang-chol ký một thỏa thuận toàn diện nhằm giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột để từ đó tiến tới "ngừng mọi hoạt động thù địch và diệt trừ nguy cơ chiến tranh", theo Yonhap.
Trước thượng đỉnh lần này, hai bên đã tổ chức hàng loạt cuộc họp và đưa ra nhiều đề xuất, như cùng rút các chốt gác ở biên giới, trao trả hài cốt binh sĩ của nhau và giải trừ vũ trang tại Khu An ninh chung (JSA) tại Panmunjom (Bàn Môn Điếm)... Tuy nhiên, thỏa thuận quân sự trên chưa được tiết lộ chi tiết. Nhiều người kỳ vọng trong thỏa thuận có điều khoản ngăn ngừa xung đột tại Đường giới hạn phía Bắc (NLL), biên giới biển thực tế giữa 2 nước trên biển Hoàng Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký thỏa thuận quân sự toàn diện. Ảnh: Yonhap
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ấm lên nhanh chóng trong năm nay sau những chuyển động ngoại giao bất ngờ và dồn dập, với những cuộc gặp chưa có tiền lệ giữa Bình Nhưỡng với cả Hàn Quốc và Mỹ. Dù vậy, con đường phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên và Mỹ buộc phải đi cùng dường như vẫn đang bế tắc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng ca ngợi một tương lai mới cho 2 miền bằng việc ký một thỏa thuận mang tên "Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9".
Bình luận (0)