Hàng rào lưới thép cao khoảng 2,5 m xung quanh Nhà Trắng tiếp tục được mở rộng kể từ sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình ở Quảng trường Lafayette, thủ đô Washington.
Vành đai an ninh mới bao gồm công viên Lafayette, mở rộng xuống công viên Ellipse, tạo thành một cái kén kim loại khổng lồ. Chỉ có ở góc Đông Bắc và Tây Bắc Nhà Trắng là không có hàng rào lưới thép hay hàng rào bê tông được thiết lập phía sau những lưới thép.
Hàng rào lưới thép cao khoảng 2,5 m xung quanh Nhà Trắng tiếp tục được mở rộng. Ảnh: Washington Post
Hàng chục ngàn người biểu tình tuần hành tại Washington và các thành phố khác của Mỹ vào hôm 6-6 để yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp các cuộc biểu tình này nổ ra tại Mỹ.
Cuộc biểu tình ở thủ đô Washington là cuộc tuần hành lớn nhất trong tuần này trên toàn nước Mỹ cũng như ở các nước khác trên thế giới. Cuộc biểu tình cũng trùng với ngày diễn ra lễ tưởng niệm thứ hai cho George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi chết vào ngày 25-5 sau khi một cảnh sát da trắng quỳ gối trên cổ ông trong gần chín phút.
Cái chết của ông Floyd châm ngòi làn sóng phản đối rộng khắp trên một đất nước từng có lịch sử ngược đãi người gốc Phi và các nhóm người thiểu số khác. Truyền thông địa phương dự báo hàng chục ngàn người sẽ xuất hiện ở Washington bất chấp những rủi ro từ dịch Covid-19. Hiện chưa có số liệu chính xác về số người tham gia biểu tình.
Người biểu tình tụ tập sau một hàng rào tại Công viên Lafayette trước Nhà Trắng vào hôm 6-6, phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Ảnh: Reuters
Những ngày trước, các cuộc biểu tình ở các thành phố từ Los Angeles, Chicago đến New York và Washington gồm nhiều cuộc tuần hành được tổ chức lỏng lẻo. Ngày 6-6, tại thủ đô nước Mỹ, hàng ngàn người tập trung tại Đài tưởng niệm Lincoln và nhiều nơi khác trước khi đến Nhà Trắng. Đám đông di chuyển qua bệnh viện Đại học George Washington đã hô vang "Giơ tay lên, đừng bắn!", "Chúng tôi tuần hành vì hy vọng, không phải vì sự thù hằn" và "Tôi không thở được".
Ở California, bang đông dân nhất nước Mỹ, các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố như Los Angeles và San Francisco. Những người biểu tình chặn xe trên Cầu Cổng Vàng trong một thời gian ngắn trong khi những người lái xe bóp còi ủng hộ. Tại New York, đám đông người biểu tình đi qua cầu Brooklyn xuống Manhattan. Họ diễu hành trên một con đường vắng vẻ, nơi nhiều cửa hàng đã đóng ván gỗ lên cửa để ngăn cướp bóc.
Biểu tình tại Leicester, Anh, ngày 6-6. Ảnh: Reuters
Sau cái chết của ông George Floyd, không chỉ ở Mỹ, hàng ngàn người ở các thành phố châu Á và châu Âu biểu tình để đòi công lý cho người da màu hôm 6-6. Cuộc biểu tình tại London (Anh) diễn ra ôn hòa, trừ một số ít người biểu tình tại khu vực gần nơi ở của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phố Downing đã ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng này có hành động tự vệ và đẩy lui những người biểu tình này.
Tại Berlin - Đức, những người biểu tình tụ tập chật cứng quảng trường trung tâm Alexanderplatz, trong khi các cuộc biểu tình khác được tổ chức tại Hamburg và Warsaw. Ở Paris (Pháp), nhà chức trách cấm các cuộc biểu tình được hoạch định diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và trên các bãi cỏ gần Tháp Eiffel.
Biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 6-6. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại hạn chế hơn vì các quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Cảnh sát TP Brisbane - Úc ước tính 10.000 người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa vào hôm 6-6, đeo mặt nạ và cầm biểu ngữ Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng đáng giá).
Người dân ở Tokyo - Nhật Bản và Seoul - Hàn Quốc cũng tuần hành ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Do những hạn chế để kiểm soát dịch ở Bangkok, các nhà hoạt động Thái Lan lên mạng Internet, kêu gọi đăng video và hình ảnh những người mặc đồ đen, giơ nắm đấm và biểu ngữ, giải thích lý do tại sao họ ủng hộ phong trào Black Lives Matter.
Bình luận (0)