Bản ghi nhớ được ký bởi 51 cán bộ ngoại giao đang tham gia tư vấn chính sách về tình hình Syria. Theo báo The Wall Street Journal, tất cả kêu gọi Washington mở cuộc “tấn công quân sự” nhằm vào chính phủ của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad do liên tục bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại thủ đô Copenhagen – Đan Mạch: “Đó là một tuyên bố quan trọng và dĩ nhiên tôi tôn trọng quy trình. Tôi sẽ thảo luận với mọi người khi quay trở về nước”. Ông Kerry cho biết thêm mình chưa nhìn thấy bản ghi nhớ nên không thể đưa ra bình luận.
Phát động một cuộc tấn công quân sự chống lại chính quyền Assad sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với chính sách không trực tiếp tham chiến tại Syria của Washington. Trước, đó, Mỹ chỉ kêu gọi thực hiện tiến trình chuyển tiếp chính trị buộc nhà lãnh đạo Syria phải từ chức.
Một quan chức Mỹ đã đọc qua bản ghi nhớ nói với Reuters rằng Nhà Trắng vẫn phản đối việc nước này can thiệp quân sự sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Syria.
Một quan chức thứ hai nhận định bản ghi nhớ phản ánh quan điểm của các nhà ngoại giao từng nghiên cứu tình hình Syria trong nhiều năm, đó là chính sách hiện tại của Mỹ không cho thấy sự hiệu quả.
“Tóm lại, các nhà ngoại giao muốn thấy một lựa chọn quân sự để gây áp lực đối với chế độ (Assad)” – quan chức này cho biết.
Chuyên gia Robert Ford tại Viện nghiên cứu Trung Đông, trụ sở ở Washington, cảm thấy ngạc nhiên vì bản ghi nhớ thu hút một số lượng lớn các nhà ngoại giao ủng hộ. Ông Ford cũng cho biết đây không phải lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ tranh cãi về chính sách áp dụng tại Syria.
Vào mùa hè năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đề xuất trang bị vũ khí và huấn luyện quân nổi dậy chống lại Tổng thống Assad. Tuy nhiên, kế hoạch bị Tổng thống Barack Obama và các trợ lý Nhà Trắng của ông bác bỏ.
Washington hiện triển khai khoảng 300 đặc nhiệm tại Syria để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng không nhắm mục tiêu vào chế độ Assad.
Trong khi đó, hôm 16-6, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết máy bay chiến đấu Nga đã tấn công vị trí quân nổi dậy đang chiến đấu với các tay súng IS. Trong số những người bị nhắm mục tiêu có cả lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.
Quan chức kể trên cáo buộc Nga mở chiến dịch không kích gần al-Tanf, nơi không có bộ binh Nga hoặc Syria ở trong khu vực thời điểm đó. “Chúng tôi chờ một lời giải thích từ Nga về lý do tại sao lại hành động như vậy và bảo đảm điều này sẽ không xảy ra một lần nữa” – vị quan chức giấu tên nói.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận máy bay chiến đấu không rõ của nước nào đã tấn công vào nơi quân nổi dậy tổ chức cuộc họp gần ngôi làng al-Tanf, giết chết 2 người và làm bị thương 4 người khác.
Cùng ngày 16-6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tố cáo Mỹ định sử dụng chi nhánh Al-Qaeda ở Syria để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tại diễn đàn kinh tế ở TP St Petersburg, ông Lavrov cho rằng việc các nhóm đối lập Syria được Mỹ hậu thuẫn dùng dằng không chịu tuyệt giao với nhóm Mặt trận Al-Nursa, chi nhánh Al-Qaeda tại Syria, là một nguyên nhân lớn khiến chiến sự tiếp diễn.
“Mỹ có thể đang diễn trò ở đây. Họ có thể muốn duy trì Al-Nusra để lật đổ chế độ Assad” – ông Lavrov nói.
Bình luận (0)