Nguyên nhân của hiện tượng trên chủ yếu do tiền thuê mặt bằng bán lẻ cao ngất ngưởng. Đường Russell ở Hồng Kông đang giữ vị trí là con phố có giá thuê đắt số 1 thế giới, gấp đôi so với ở New York - Mỹ và nhiều hơn 4 lần so với London - Anh.
Ngậm ngùi đóng cửa tiệm
Người dân bắt đầu đặt câu hỏi liệu sự ra đi của các tiểu thương có làm thay đổi kết cấu đường phố Hồng Kông, đồng thời bóp nghẹt tinh thần kinh doanh ở đặc khu này. “Các doanh nghiệp địa phương phục vụ cho thị hiếu địa phương. Đó là một thực tế. Hơn nữa, đấy là những gì người dân Hồng Kông cảm thấy gắn bó về mặt tình cảm và văn hóa” - ông Andrew Sheng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Fung Global - Hồng Kông, nói.
Sau 39 năm bán mì ở gần phố Russell, hồi cuối tháng 5-2013, bà chủ tiệm Patty Ho đành phải phục vụ tô mì cuối cùng vì không thể xoay xở tiền thuê hằng tháng lên đến 45.000 USD. “Tại Hồng Kông, tiền thuê nhà đúng là điên khùng” - bà Patty Ho buồn phiền. Theo bà, người thuê mới sẽ mở cửa hiệu chuyên bán dược phẩm và sữa bột trẻ em - những mặt hàng được cư dân đại lục ưa chuộng.
Cách đó không xa, một tiệm mì truyền thống khác cũng phải đóng cửa hồi tháng 2. Lập tức, một cửa hàng đồng hồ Rado của Thụy Sĩ trám chỗ. Nhiều ngày trước khi tiệm mì ngừng bán, thực khách không ngại xếp hàng đợi nhiều giờ để thưởng thức bữa ăn cuối cùng. Trong khi đó, bà chủ Jennifer Cheung quyết định chọn phương thức kinh doanh trực tuyến sau khi đóng cửa tiệm giày vào tháng 1 năm nay, cũng do chịu không nổi tiền thuê mặt bằng tăng chóng mặt.
Tương lai vô định
Tiền thuê mặt bằng tăng cao không có gì mới ở Hồng Kông vì từ lâu, vùng lãnh thổ này đã là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Các thành phố châu Á khác cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự trong việc duy trì những cửa hàng nhỏ lẻ. Thế nhưng, ông Andrew Sheng nhận thấy rằng chủ đất ở Tokyo - Nhật Bản lại giúp các nhà sản xuất mì và sushi duy trì kinh doanh; còn tại Singapore, ngay cả trong những trung tâm mua sắm sang trọng vẫn có các khu bán thực phẩm địa phương thơm ngon với giá rẻ.
Ông Joe Lin, Giám đốc cao cấp của dịch vụ bán lẻ tại Hồng Kông thuộc Tập đoàn Tư vấn bất động sản CBRE, đánh giá xu thế những thương hiệu sang trọng bành trướng các góc phố của Hồng Kông đang chậm lại. Việc Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy quan chức minh bạch tài sản khiến các thương hiệu xa xỉ thận trọng hơn trong kế hoạch mở rộng thị trường. Dù vậy, do tiền thuê mặt bằng vẫn... ở trên trời nên trong thời gian ngắn tới, các doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn phải chật vật tìm kiếm “đất lành”.
Mặc cho khó khăn, bà chủ tiệm mì Patty Ho vẫn mong muốn được truyền nghề cho thế hệ kế tiếp sau nhiều năm làm việc đến 12 giờ/ngày suốt tuần. Các con bà đã thuê mặt bằng trong một trung tâm mua sắm nhưng bà chưa rõ có thành công hay không. “Tôi không hoàn toàn hài lòng. Tiệm cũ mang nhiều kỷ niệm. Tiệm chúng tôi là tiệm mì hoành thánh duy nhất nhận được ngôi sao ẩm thực Michelin danh tiếng. Ấy vậy, chúng tôi cũng phải chuyển đi” - bà Patty Ho ngậm ngùi.
Bình luận (0)