Cả ba con tàu, gồm HNLMS De Ruyter, HNLMS Java và HNLMS Kortenaer, đều bị đánh chìm bởi quân đội Nhật Bản trong trận đánh ở biển Java vào năm 1942. Xác tàu được các thợ lặn phát hiện hồi năm 2002.
Chính phủ Hà Lan cho biết họ cảm thấy "đau khổ" khi hay tin và đang tiến hành điều tra. Trước đó, một cuộc thám hiểm được tổ chức để kỷ niệm 75 năm cuộc chiến phát hiện ra sự biến mất bí ẩn của những con tàu.
"Việc mạo phạm ngôi mộ chiến tranh là một trọng tội" - trích thông báo của Bộ Quốc phòng Hà Lan.
Tàu HNLMS De Ruyter của Hà Lan, soái hạm của Chuẩn Đô đốc Karel Doorman. Ảnh: Viện Lịch sử Quân đội Hà Lan
Cụ Theo Doorman, 82 tuổi, con trai của Chuẩn Đô đốc Karel Doorman huyền thoại, vị chỉ huy trận chiến ở biển Java, là một thành viên của nhóm thám hiểm hy vọng quay được xác tàu 2 tuần trước. Cụ Doorman chia sẻ ông không thể tin vào mắt mình khi những hình ảnh sóng âm chỉ hiển thị một đường rãnh nơi con tàu của cha ông từng yên nghỉ.
"Tôi cảm thấy buồn chứ không hề giận dữ. Hàng thế kỷ qua, không quấy rầy những ngôi mộ của thủy thủ đã trở thành một tục lệ. Nhưng điều đó không được tôn trọng ở đây" - ông Doorman nói.
Trong khi đó, tờ The Guardian đưa tin 3 con tàu của Anh ở biển Java cũng đã biến mất. Các tấm ảnh 3D cho thấy những lỗ hổng lớn ở đáy biển, nơi những con tàu HMS Exeter, HMS Encouter, HMS Electra và tàu ngầm của Mỹ, từng nằm lại.
Lỗ hổng ở đáy biển nơi con tàu HMS Exeter từng nằm. Ảnh: Guardian
Bộ Quốc phòng Anh xác nhận nước này đã liên lạc với cơ quan chức năng Indonesia. Một phát ngôn viên cho biết: "Rất nhiều mạng sống đã mất đi trong cuộc chiến này. Chúng tôi hy vọng xác những con tàu được tôn trọng và không bị xâm phạm mà không có sự đồng ý của Vương quốc Anh".
Vùng biển quanh Indonesia, Singapore và Malaysia là nơi yên nghỉ của hàng trăm con tàu và tàu ngầm bị đánh chìm trong thế chiến II. Hành động trục vớt bất hợp pháp các xác tàu để thu gom thép, nhôm và đồng thau khá phổ biến tại đây.
Tuy nhiên, 3 con tàu mất tích nằm cách bờ biển Indonesia 100 km và ở độ sâu 70 m, nơi vốn cực kỳ khó tiếp cận. Theo các chuyên gia, hoạt động trục vớt cần huy động nhiều cần cẩu lớn trong thời gian dài và khó có thể không gây chú ý.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, hải quân Indonesia thông báo họ không hay biết gì về sự biến mất của những con tàu nhưng sẽ tiến hành điều tra.
Bình luận (0)