Tại Trung Quốc, vào đêm Giao thừa, hàng ngàn người xếp hàng kéo dài 1 km bên ngoài ngôi chùa Lama nổi tiếng ở Bắc Kinh, chờ đợi lượt vào cầu nguyện, mong một năm mới mạnh khoẻ cho người thân. Một cư dân Bắc Kinh nói rằng cô cầu mong mọi người khỏe mạnh trong năm mới.
Một người dân 57 tuổi họ Phương chia sẻ: "Tôi nghĩ làn sóng COVID-19 đã chấm dứt. Tôi không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng chồng và những người thân trong gia đình đều bị. Tôi vẫn nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tự bảo vệ bản thân".
Cây cầu được trang trí bằng đèn lồng tại một công viên ở Bắc Kinh vào ngày đầu năm mới (ngày 22-1). Ảnh: AP
Năm 2021, Ôn Húc (26 tuổi) không thể về quê nhà ở một quận nhỏ ở TP An Huy, vì những hạn chế COVID-19. Vì vậy, "năm nay vào đêm giao thừa, chú, dì và anh họ của tôi sẽ đến thăm chúng tôi từ một thị trấn gần đó. Chúng tôi sẽ có một bữa tối sum họp thịnh soạn cùng nhau, với các món ăn truyền thống của gia đình" – Ôn Húc nói.
Người Trung Quốc cầu mong khoẻ mạnh sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, một số chuyên gia y tế dự đoán hơn một triệu người sẽ chết vì COVID-19 ở Trung Quốc trong năm nay, với công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh dự báo số ca tử vong do COVID có thể lên tới 36.000 người/ngày trong tuần này.
Một phụ nữ Bắc Kinh tự chụp ảnh vào ngày đầu năm mới. Ảnh: AP
Khi hàng triệu lao động trở về quê ăn Tết Nguyên đán, các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại về những người sống ở vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc, nơi cơ sở y tế còn nghèo nàn so với những người ở đô thị giàu có.
Theo Nhân dân Nhật báo, khoảng 110 triệu lượt hành khách chọn đường sắt để di chuyển từ ngày 7 đến ngày 21-1, 15 ngày đầu tiên của đợt "Xuân vận" kéo dài 40 ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một ngày trước đêm Giao thừa, tổng cộng có 26,23 triệu lượt đi bằng đường cao tốc, tàu thủy và máy bay bằng một nửa so với mức trước đại dịch, nhưng tăng 50,8% so với năm ngoái.
Người dân đeo khẩu trang tạo dáng tại một công viên ở Bắc Kinh vào ngày 22-1. Ảnh: AP
Người dân đeo khẩu trang chơi trượt băng tại công viên ở Bắc Kinh ngày 22-1. Ảnh: AP
Ở Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cho biết các đường cao tốc khắp nước chật cứng ô tô vào ngày 22-1, khi một số người về quê ăn Tết Nguyên đán, nhiều người quay trở về nhà sau chuyến thăm họ hàng từ mấy ngày trước.
Cơ quan Phát triển đường cao tốc Hàn Quốc (Korea Highway Corporation) ước tính số xe ô tô di chuyển trên đường phố trong ngày 22-1 vào khoảng 6,12 triệu. Trong đó, có khoảng 490.000 chiếc di chuyển ra khỏi thủ đô Seoul và 470.000 chiếc đi vào thủ đô.
Một đường cao tốc ở Seoul chật ních ô tô vào ngày 22-1. Ảnh: Yonhap
Theo đài CNN, hòa cùng dòng người về quê, Stacy Liu (32 tuổi, sinh sống ở Đài Bắc) tranh thủ trở về quê nhà ở Đào Viên (phía Bắc Đài Loan - Trung Quốc) từ sớm, để dành thời gian cho gia đình và gặp gỡ những người bạn thời thơ ấu.
Người dân cầu nguyện một năm mới bình an tại một ngôi chùa ở Đài Bắc. Ảnh: EPA
Trong khi đó, Indonesia vẫn coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1,2% dân số Indonesia, cũng là cộng đồng người gốc Hoa ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới. Do đó các hoạt động lễ hội để cầu an lành, may mắn trong ngày đầu năm mới ở nước này khá phong phú, rộn ràng.
Người dân ra đường đón Tết Nguyên đán ở New York, Mỹ. Ảnh: ZUMA Press Wire/REX/Shutterstock
Người dân ở Singapore xếp hàng cầu may mắn tại chùa vào đêm Giao thừa. Ảnh: Reuters
Biểu diễn múa lân trong lễ hội đón Tết Nguyên đán ở TP Panama, Panama, vào ngày 20-1. Ảnh: EPA
Đồ trang trí Tết Nguyên đán ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hàng tỉ người dân châu Á đón ngày đầu năm mới Âm lịch
Bình luận (0)