Giá dầu tăng một phần là do dư luận lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào ngày 12-5. Nhờ thỏa thuận này mà Tehran xuất khẩu thêm nhiều dầu thô.
Dầu tăng giá thời gian qua là do Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cắt giảm nguồn cung trong khi mức cầu trên toàn cầu vẫn cao. Nếu Iran bị trừng phạt trở lại, nguồn cung dầu trên thế giới có thể giảm 1 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, ông Victor Shum, chuyên gia phân tích ngành công nghiệp dầu tại Công ty Nghiên cứu IHS Markit, cho rằng mức độ ảnh hưởng khó nghiêm trọng như khi lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Iran năm 2012. Đó là do Liên minh châu Âu có thể không theo Mỹ áp đặt các trừng phạt mới trong lúc Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu cực lớn, cũng phản đối.
Chiếc máy bay Airbus mới của hãng Iran Air hạ cánh xuống sân bay ở Tehran trong năm 2017 Ảnh: AP
Trong khi đó, theo hãng tin AP, hàng tỉ USD của các tập đoàn quốc tế đang bị treo lơ lửng trong thời gian chờ quyết định của Tổng thống Trump. Đối với các doanh nghiệp phương Tây, thỏa thuận hạt nhân Iran giúp họ tiếp cận thị trường Iran chưa khai thác với 80 triệu người. Nhanh chân nhất phải kể đến các hãng sản xuất máy bay khi đổ xô vào thay thế dàn máy bay dân dụng xuống cấp của Iran.
Tháng 12-2016, Tập đoàn Airbus của châu Âu ký hợp đồng với hãng hàng không quốc gia Iran Air để bán 100 máy bay với giá khoảng 19 tỉ USD. Boeing sau đó ký hợp đồng trị giá khoảng 17 tỉ USD để cung cấp 80 máy bay cho Iran Air, với thời gian giao hàng từ năm 2017 đến 2025. Ngoài ra, Boeing còn ký hợp đồng 30 máy bay với hãng Aseman Airlines của Iran với giá 3 tỉ USD.
Thế nhưng, cho đến nay, Boeing chưa cung cấp máy bay nào cho Iran. Ngược lại, Airbus đã giao 2 chiếc A330-200 và 1 chiếc A321. Trở ngại của Airbus là 10% số bộ phận máy bay của họ có nguồn gốc từ Mỹ nên hãng cần sự cho phép của Bộ Tài chính Mỹ trước khi bán máy bay cho Iran.
Ngoài chế tạo máy bay, còn nhiều tập đoàn thuộc các lĩnh vực khác nhau đang tiến thoái lưỡng nan. Trong ngành năng lượng có tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Total SA (Pháp) đã ký thỏa thuận 20 năm trị giá 5 tỉ USD với Iran và một công ty Trung Quốc vào năm ngoái để khai thác mỏ khí đốt lớn South Pars ngoài khơi Iran.
Ngành ôtô nhộn nhịp hơn với 2 hãng xe Pháp PSA Peugeot Citroen (đạt thỏa thuận mở nhà máy sản xuất 200.000 xe/năm ở Iran vào năm 2016) và Groupe Renault (ký thỏa thuận 778 triệu USD để xây nhà máy có thể sản xuất 150.000 xe/năm ở ngoại ô Iran). Riêng hãng Volkswagen (Đức) đã bắt đầu xuất khẩu xe vào Iran. Theo AP, câu trả lời chung của các tập đoàn này khi được hỏi là "đang theo dõi sát sao các diễn biến ngoại giao".
Bình luận (0)