Ông Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ), nói với tờ The Washington Post rằng không có bất kỳ bên nào theo dõi số liều hết hạn một cách có hệ thống, gây khó khăn trong việc kiểm tra.
Các bác sĩ Hà Lan ước tính lên đến 200.000 liều AstraZeneca bị vứt bỏ ở nước này vì hết hạn sử dụng. Chính phủ Hà Lan viện dẫn lý do pháp lý và vấn đề hậu cần khiến họ không thể xuất khẩu số vắc-xin nói trên bất chấp sự chỉ trích từ các bác sĩ trong nước.
Lô vắc-xin Covid-19 của chương trình COVAX được chuyển đến sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa - Ethiopia hồi tháng trước Ảnh: REUTERS
Khoảng 80.000 liều Pfizer-BioNTech hết hạn bị vứt bỏ hồi cuối tháng 7 tại Israel, khoảng 73.000 liều vắc-xin từ nhiều nhà sản xuất bị xử lý tại Ba Lan và Slovakia trả lại 160.000 liều Sputnik V sắp hết hạn cho Nga...
Theo dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp, khoảng 469.868 liều vắc-xin từ nhiều nhà sản xuất đã hết hạn sử dụng ở châu Phi tính đến ngày 9-8. Ông Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vắc-xin của WHO tại châu Phi, cho biết: "Hầu hết vắc-xin được gửi đến đều cận hạn sử dụng".
Ở Mỹ, ước tính tổng số liều đã hết hạn hoặc sắp hết hạn lên đến hàng triệu. Với một số loại vắc-xin có giá tới 20 USD/liều, thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu USD hoặc hơn.
Nhằm ngăn tình trạng vắc-xin hết hạn do chậm trễ trong phân phối, hồi tháng trước, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã gia hạn thời hạn sử dụng cho vắc-xin của Johnson & Johnson ở Mỹ từ 4,5 tháng lên 6 tháng. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga cũng dự kiến tăng thời hạn sử dụng của Sputnik V từ 6 tháng lên 1 năm.
Theo The Washington Post, một số chuyên gia hy vọng COVAX, cơ chế chia sẻ vắc-xin do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, hoặc các thỏa thuận song phương sẽ giúp phân phối vắc-xin đến nơi cần thiết trước khi chúng hết hạn.
Bình luận (0)