Song song với dòng người biểu tình tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ, từ sáng 20-3, đoàn biểu tình tại New York đã tràn qua hàng rào cảnh sát, vào quảng trường Times Square làm tê liệt toàn bộ khu vực này trong giờ cao điểm. Trong số này có đoàn thân nhân của nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9 tham gia lên án cuộc chiến tranh “phi pháp”. Hàng trăm người biểu tình tụ tập tại công viên Lafayette đối diện với Nhà Trắng, trong khi hàng chục cuộc biểu tình làm nghẽn nhiều trục giao thông của thủ đô Washington.
Phong trào phản chiến tại Úc tiếp tục sôi động trong ngày 21-3, sau khi các cuộc biểu tình quy tụ được hơn 40.000 người. Hãng tin Reuters cho biết phong trào sẽ lên đến cao điểm vào ngày 23-3. Tại Anh, hàng trăm người biểu tình phản chiến đã tập trung trước trụ sở quốc hội và dinh thủ tướng trong khi các hội đoàn phản chiến kêu gọi biểu tình tại khắp các thành phố. Tại Tây Ban Nha, trong khi các tổ chức phản chiến vận động biểu tình vì hòa bình thì tòa thị chính thành phố Seville rủ cờ tang và kêu gọi các thành phố khác noi gương, trong ngày Mỹ tuyên chiến. Tại Đức, hơn 100.000 người biểu tình phản chiến, trong số đó có hơn 50.000 người là sinh viên học sinh tự phát tham gia. Tại Hy Lạp, đã có 150.000 người, tại Ý có 100.000 người và 40.000 người tại Pháp cùng với hàng chục ngàn người khác biểu tình phản chiến tại các thành phố khắp châu Âu của Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech.
Riêng cuộc biểu tình trong ngày thứ nhì xảy ra chiến tranh, tại Nhật Bản đã có 50.000 người tham dự song song với phản ứng mạnh mẽ của quần chúng các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Libya, Ai Cập, Pakistan, Indonesia và một số nước khác.
Bình luận (0)