Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lên nắm quyền rồi bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hầu hết các lãnh đạo của đảng cầm quyền hôm 1-2 vì cáo buộc gian lận bầu cử. Trong 3 tuần qua, các cuộc biểu tình và đình công của những người ủng hộ dân chủ vẫn diễn ra hàng ngày và thu hút hàng trăm ngàn người khác tham gia từ các nước khác nhau.
Ngày 25-2, bạo lực nổ ra trên đường phố tại TP Yangon sau khi một số người trung thành với quân đội tấn công những người ủng hộ dân chủ và truyền thông. Các nhân chứng cho biết nhiều người bị đánh đập bởi các nhóm đàn ông có dao trong khi những người khác ném đá. Các đoạn clip quay tại hiện trường cho thấy có ít nhất 2 người bị đâm.
Trong 1 vụ việc khác, cảnh sát chống bạo động đã dùng súng hơi cay tại khu dân cư Tamwe, TP Yangon để giải tán đám đông biểu tình phản đối việc quân đội bổ nhiệm 1 quan chức địa phương.
Cảnh sát chống bạo động canh giữ tại trường ĐH Yangon ngày 25-2. Ảnh: Reuters
Người dân địa phương cho biết họ nghe tiếng súng nổ liên tiếp và cảnh sát ở lại 1 số khu vực đến tận 2 giờ ngày 26-2. Trên mạng xã hội, người ủng hộ bà Suu Kyi tuyên bố họ có ý định tổ chức 1 cuộc biểu tình khác ở Tamwe vào sáng 26-2.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nói chính quyền đang sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu. Dù vậy, ít nhất 3 người biểu tình và 1 cảnh sát đã thiệt mạng vì bạo lực.
Trong 1 diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới đã tạm ngừng thanh toán cho các dự án ở Myanmar theo yêu cầu được đưa ra sau vụ đảo chính. Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói họ đang tiếp cận "thận trọng hơn" với Myanmar nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các dự án trước đây, bao gồm việc cứu trợ khẩn cấp Covid-19.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Reuters
Ngày 25-2, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết cuộc gặp của ông với bộ trưởng ngoại giao do quân đội Myanmar bổ nhiệm không có nghĩa là "sự chứng thực". Trả lời phóng viên, ông Prayut cho biết ông chủ yếu lắng nghe ông Wunna Maung Lwin nói về "diễn biến chính trị" và tình hình ở Myanmar.
Ngoài ra, thủ tướng Thái Lan cũng phủ nhận việc nước này tham gia với Indonesia để trở thành 1 bên trung gian giải quyết tình hình ở Myanmar. Được biết, ông Prayut cùng các bộ trưởng ngoại giao của Thái Lan và Indonesia cùng gặp ông Wunna Maung Lwin tại Bangkok hôm 24-2.
Bình luận (0)