Đề tài nóng
Thực tế cho thấy trong 2 thập kỷ qua, mặc dù mức thu nhập của Trung Quốc đã tăng ít nhất gấp 4 lần nhưng chỉ số hạnh phúc lại lên xuống thất thường. Theo giáo sư kinh tế Richard A. Easterlin tại Đại học Nam California (Mỹ), sự thay đổi liên tục trong nấc thang hạnh phúc tại Trung Quốc liên hệ chặt chẽ với tình trạng thất nghiệp. Ngoài ra, sự bất bình đẳng và thiếu an toàn xã hội cũng là nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc bấp bênh.
Ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với việc người dân ngày càng hạnh phúc. Ảnh: Latimes
Ông Easterlin nhận định: Tại Trung Quốc, niềm hạnh phúc chỉ đến với những người có công ăn việc làm, hài lòng với công việc hiện tại và được sống trong một mạng lưới an toàn xã hội”.
Theo báo The Los Angeles Times (Mỹ), hạnh phúc đang trở thành đề tài được nghiên cứu nhiều tại Trung Quốc. Trong đó, các nhà kinh tế mổ xẻ vấn đề bên trong phòng thí nghiệm để tìm hiểu bằng phương thức nào mà đồng tiền, sự thiếu công bằng và những thay đổi trong cuộc sống lại tác động mạnh mẽ tới mức độ thỏa mãn trong cuộc sống của con người. Chính phủ Trung Quốc từng yêu cầu chính quyền tại các thành phố đề ra những tiêu chí mới để đánh giá mức độ hạnh phúc và các chính trị gia cần giảng giải về tầm quan trọng của hạnh phúc.
Chỉ số hạnh phúc biến động thất thường
Dựa trên kết quả từ 6 cuộc điều tra về mức độ hài lòng trong cuộc sống của người dân Trung Quốc, phần lớn do các công ty phương Tây tiến hành, nhóm nghiên cứu của ông Easterlin nhận thấy chỉ số hạnh phúc của Trung Quốc lên xuống thất thường trong khi mức thu nhập vẫn tăng mạnh. Điều đó chứng minh tình trạng thất nghiệp có thể là nguyên nhân ảnh hưởng mức độ hạnh phúc ngay cả khi Trung Quốc ngày càng giàu có.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sự thịnh vượng gia tăng không kéo theo niềm hạnh phúc, bởi vì người dân thường quá kỳ vọng và có xu hướng so sánh mức độ giàu có với người khác. Giáo sư Vương Phương Hoa của trường đại học Giao thông Thượng Hải cho biết: “Nếu một nhân viên nhận được mức lương cao hơn so với năm ngoái chưa chắc anh ta đã cảm thấy hạnh phúc. Nhưng nếu như thu nhập của anh ta cao hơn bạn bè, anh ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.”.
Mặc dù chân lý cho rằng tiền bạc không thể mua được hạnh phúc nhưng sự thật tại Trung Quốc lại có xu thế trái ngược. Những người nghèo và ít học nhất cho biết họ cảm thấy cuộc sống ngày càng ít hạnh phúc hơn, còn những người giàu nhất thì lại ngày càng thấy vui sướng. Đây là một bước thay đổi so với quan niệm trong quá khứ, lúc người dân Trung Quốc luôn cho rằng họ ngày càng hạnh phúc hơn.
Bình luận (0)