Theo báo Time, nhiều người nhập cư đang thay đổi thói quen hằng ngày để tránh bị bắt hoặc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nếu bị Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) “sờ gáy”.
Người nhập cư thấp thỏm
Tại quận Cam, bang California, hàng chục phụ huynh là dân nhập cư đã ký vào một văn bản ủy quyền cho bạn bè và người thân đón con của họ từ trường học hoặc được phép truy cập tài khoản ngân hàng để thanh toán các hóa đơn trong trường hợp họ bị bắt giữ.
Ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania, người nhập cư mang theo những cuốn sổ hướng dẫn to bằng chiếc ví mang tên “Biết về quyền lợi của các bạn” ghi bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Còn tại TP New York, Zuleima Dominguez, 23 tuổi cùng gia đình đến từ Mexico của cô bắt đầu cẩn thận khi nghe tiếng gõ cửa, đồng thời gọi điện thoại cho các thành viên không về nhà đúng giờ để xem họ có gặp bất trắc gì không.
Đối với Carmen Ramos, 41 tuổi, cùng nhóm bạn của bà ở TP El Paso, bang Texas, tất cả đồng ý thiết lập mạng lưới để giúp mọi người giữ liên lạc bằng tin nhắn, qua đó cảnh báo cho nhau về các trạm kiểm soát nhập cư trên khắp nước Mỹ. Bà Ramos và chồng cùng 3 đứa con rời TP Ciudad Juarez – Mexico tới Mỹ năm 2008 sau khi cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy đe dọa tính mạng của những cư dân địa phương. “Chúng tôi không còn bất cứ nơi nào để quay trở lại” – bà Ramos than thở.
Trong những tuần gần đây, cộng đồng di dân đang lo ngại hơn bao giờ hết bởi chính sách nhập cư của Tổng thống Trump khắc nghiệt hơn so với thời người tiền nhiệm Barack Obama. Chính quyền Washington thông báo rằng bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào bị buộc tội hoặc bị kết án hoặc thậm chí bị nghi ngờ phạm tội cũng đều bị trục xuất. Như vậy, những người bị bắt về tội ăn cắp hoặc những vi phạm nhỏ khác, hay chỉ đơn giản là vượt biên trái phép, cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của chính phủ liên bang.
Grassroots Leadership - tổ chức chuyên giải quyết các vấn đề của người nhập cư ở TP Austin, bang Texas, cho biết bình thường họ chỉ nhận khoảng 1-2 cuộc gọi mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi ông Trump siết chặt chính sách nhập cư, điện thoại của tổ chức này reo liên tục. “Chúng tôi đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại chỉ trong 3 ngày” – đại diện Grassroots Leadership nói.
Những người nhập cư ở TP Chicago chia sẻ bây giờ họ sợ cả việc lái xe. Một số người thậm chí còn cảnh giác với cả phương tiện công cộng. Khi cảnh sát Chicago và các cơ quan liên bang tiến hành kiểm tra một đường ray xe lửa hồi đầu tháng này, nhiều người lầm tưởng đó là một trạm kiểm soát nhập cư. Nhà chức trách địa phương sau đó phải ban hành thông báo tới cộng đồng di dân: “Mọi người được chào đón ở đây”.
Phản tác dụng
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng chính sách nhập cư của ông Trump có thể làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, đồng thời làm tổn thương những người lao động mà ông cam kết bảo vệ. Hầu như rõ ràng, người nhập cư được xem là một lợi ích ròng đối với nền kinh tế.
Hôm 15-2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cảnh báo tăng trưởng trong lực lượng lao động đã chậm lại ở Mỹ. Song song đó, nền kinh tế nước này cũng đang phát triển với tốc độ chậm. “Di dân là một nguồn quan trọng của tăng trưởng về lực lượng lao động. Vì vậy, làm chậm tốc độ nhập cư có thể sẽ làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế” – Chủ tịch Fed giải thích.
Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) – một viện chính sách tự do ở Washington – dự báo chính sách trục xuất người nhập cư hàng loạt sẽ khiến GDP của đất nước giảm 1,4% và con số này có thể tăng lên 2,6%. Lấy ví dụ, khi lực lượng lao động bị cắt giảm, người nông dân sẽ loại bỏ hoặc bán thiết bị dư thừa do thiếu nhân lực, đồng nghĩa với việc năng suất lao động giảm theo. CAP cho rằng nếu trục xuất 7 triệu người lao động là dân nhập cư không có giấy tờ thì số lượng việc làm ở Mỹ sẽ tụt xuống ngang bằng trong thời kỳ Đại suy thoái.
Trong vòng hơn 10 năm tới, giá trị sản lượng hàng hóa của Mỹ dự kiến sẽ giảm khoảng 4,7 ngàn tỉ USD. Để tiện so sánh, CAP cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, tổng chi tiêu hàng hóa và dịch vụ trong nước đạt mức 18,6 ngàn tỉ USD vào cuối năm 2016.
Thêm vào đó, ngân sách chi cho kế hoạch trục xuất khoảng 750.000 người được chương trình DACA (tạm hoãn trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn thơ ấu) bảo vệ sẽ ngốn khoảng 60 tỉ USD của chính phủ liên bang. Trong 1 thập kỷ tới, chỉ tính riêng kế hoạch này cũng khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 280 tỉ USD mặc dù số người bị trục xuất nói trên chỉ chiếm một phần trong số khoảng 11 triệu người sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Ewing Marion Kauffman (Mỹ) hồi năm 2012, người nhập cư có khả năng khởi nghiệp cao hơn so với người Mỹ bản địa. Khoảng 24,3% trong số các công ty kỹ thuật và công nghệ khởi nghiệp tại thung lũng Silicon trong những năm gần đây do người nhập cư làm chủ.
Trung tâm Pew Hispanic cho biết 1/4 người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Mỹ là di dân bất hợp pháp. Mất đi lực lượng lao động này có thể chuyển hoạt động sản xuất 61% rau quả Mỹ sang các nước khác, theo Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy 11 triệu người nhập cư chi tiêu khoảng 150 tỉ USD/năm, bao gồm 7 tỉ USD tiền thuế an sinh xã hội cùng 11,6 tỉ USD tiền thuế tiểu bang và địa phương. Vì vậy, trục xuất người nhập cư sẽ tạo nên lỗ hổng không chỉ đối với nền kinh tế mà còn cả ngân sách của Mỹ.
Bình luận (0)