icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hậu duệ người La Mã ở Cam Túc

Văn Anh

Ở làng Lệ Tiền, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc có một truyền thuyết: Người làng là hậu duệ của lính lê dương La Mã. Các nhà khoa học Trung Quốc đã đến tận nơi để kiểm chứng

Bài 1: Tù binh của Hung Nô?

Truyền thuyết kể rằng cách đây hơn 2.000 năm có một nhóm lính lê dương La Mã đến cư trú tại vùng đất mà ngày nay có tên làng Lệ Tiền. Nghĩa là trước khi Chúa ra đời và 200 năm trước khi Rome (La Mã) tiếp xúc lần đầu tiên với Trung Quốc (TQ), người La Mã từng có mặt ở TQ.

Sử sách xưa chép rằng vào năm 166 trước Công Nguyên, hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng cử một đoàn đại biểu đến cố đô Lạc Dương của TQ. Đó là lần đầu tiên đế chế La Mã tiếp xúc với người TQ. Người ta cũng tìm thấy trong sử sách của nhiều vương triều TQ câu chuyện chính thức và không chính thức theo đó vào đời nhà Hán (206 trước Công Nguyên – 220 sau Công Nguyên) trong một trận chiến với quân đội Hung Nô – tổ tiên của người Mông Cổ ngày nay – có 145 lính lê dương La Mã bị bắt làm tù binh giam tại nơi mà bây giờ gọi là làng Lệ Tiền.

Bại binh cuộc chiến thành Carrhae

Năm 1955, giáo sư Homer Dubs thuộc Trường Đại học Oxford danh giá của Anh lại đưa ra một giả thuyết hơi khác, khá hấp dẫn: Đúng là ở Lệ Tiền có lính lê dương từng ở nhưng không phải là tù binh của Hung Nô mà là lính của tướng Grassus sống sót sau trận chiến thành Carrhae với người Parthia vào năm 56 trước Công Nguyên.

Parthia là một dân tộc từng sinh sống ở nơi mà ngày nay gọi là Iran còn Carrhae bây giờ là một điểm khảo cổ nổi tiếng ở vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trận chiến Carrhae đặt dấu chấm hết cuộc bành trướng của đế quốc La Mã về phía Đông. Quân Parthia mặc áo lông thú gào rú như lũ sói khi tấn công khiến quân La Mã thất kinh hồn vía. Hàng vạn quân của Grassus chết, nhiều ngàn quân khác bị bắt làm tù binh.

Theo Pliny lớn, một tác giả La Mã, người Parthia bắt tù binh La Mã làm lao công ở biên giới phía Đông, giáp ranh với lãnh thổ Hung Nô và TQ. Pliny cho rằng lúc đó, người Parthia và người Hán đã có quan hệ buôn bán và ngoại giao. Một số lính lê dương thừa dịp trốn sang TQ. Tướng nhà Hán Trần Đường vốn là người rộng lượng đã cho họ tá túc tại nơi mà giờ đây có tên là làng Lệ Tiền.

Chưa rõ trong những giả thuyết nói trên, giả thuyết nào đúng. Sử sách nhà Hán và nhà Kim TQ có ghi một câu: “Lệ Tiền là làng do tù binh của tướng Trần Đường xây dựng”, tuy nhiên lại không nói rõ tù binh là người gì. Trong khi đó, những người ủng hộ thuyết người La Mã khẳng định rằng có ít nhất 7 cuốn sử, trong đó có sử nhà Hán và sử nhà Kim, viết cách đây 2.000 năm ghi chép là người La Mã.

Di truyền học vào cuộc

Sự hiện diện của dân tộc ngoại lai ở TQ là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Bất cứ chính quyền nào cũng quan tâm đến vấn đề này, nhất là những lời đồn đại dai dẳng về nguồn gốc tổ tiên của dân làng Lệ Tiền. Tổ tiên của dân làng này là người La Mã hay dân tộc nào khác? Câu hỏi này đã được nghiên cứu từ thời nhà Thanh đến thời Cộng hòa mà vẫn chưa có câu giải đáp. Công trình nghiên cứu mới nhất vào thời này do học giả Phùng Thành Quân thực hiện năm 1944. Nhưng nghiên cứu này đã phải dừng lại dang dở vì chiến tranh.

1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời công nhận cả nước có 56 nhóm dân tộc, trong đó có người Hán. Trường hợp của làng Lệ Tiền quá đặc biệt cần được nghiên cứu một cách khoa học trước khi xác nhận hoặc bác bỏ giả thuyết người La Mã.

Gần đây nhất, tháng 6–2005, giáo sư Tạ Hà Đông thuộc Trường Đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, vượt 350 km từ thủ phủ đến làng Lệ Tiền. Ông tìm gặp khoảng 100 người cư ngụ trong vòng bán kính 10-20 km đo đạc tỉ mỉ. Mỗi người được đo 43 lần như đo chiều dài nhân trung, chiều dài dái tai, mũi v.v... Nói chung, đây là chuyện đo đạc bình thường về mặt nhân chủng học mà xưa nay đã tiến hành đối với tất cả các dân tộc ở TQ trừ người làng Lệ Tiền. Lý do khá đơn giản, trong hộ khẩu của dân làng, mục dân tộc đều ghi là người Hán.

Học giả họ Tạ lần này cẩn thận xét nghiệm cả máu. Ông lấy mẫu máu của 93 dân làng đem về trường. Ông và nhóm sinh viên của ông đang phân tích các chỉ dấu gien SNP và STI trong phòng thí nghiệm của trường. Họ hy vọng sẽ xác định được tổ tiên của dân làng Lệ Tiền là ai, có phải là người La Mã mà nhiều người trong làng đều tự nhận hay không. Kết quả xét nghiệm có thể sẽ được công bố vào cuối năm nay nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo