Tờ South China Morning Post ngày 11-5 dẫn nhận định trên của chuyên gia Triệu Thông thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie, tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa (Trung Quốc) ngay sau khi bài viết của Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Hồ Tích Tiến, vào ngày 8-5.
Ông Hồ Tích Tiến lập luận rằng Trung Quốc cần phải tăng số lượng đầu đạn hạt nhân dự trữ lên 1.000 trong lúc kho vũ khí hạt nhân cần bao gồm "ít nhất 100 tên lửa chiến lược DF-41".
Tên lửa DF-41 được lực lượng tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phô diễn vào giữa năm 2019, có thể mang theo khoảng 10 đầu đạn hạt nhân, là loại tên lửa có tầm bắn từ 12.000 đến 15.000 km, có phạm vi hoạt động hạt nhân dài nhất thế giới và có thể vươn đến lục địa Mỹ.
Tên lửa đạn đạo DF-41 lăn bánh trong một cuộc diễu hành hôm 1-10-2019. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo quan điểm của chuyên gia Triệu Thông, lập luận của ông Hồ Tích Tiến và một người khác là không thuyết phục. Hơn nữa, nhà phân tích họ Triệu nhấn mạnh động thái như vậy có thể gây tổn hại đến uy tín và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Ông Triệu Thông nhận định lời kêu gọi Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân phản ánh mối quan hệ đầy biến động với Washington và bất kỳ động thái liều lĩnh nào cũng có thể làm tổn hại đến uy tín của Trung Quốc.
Ông Triệu Thông nói rằng không thể vin vào chuyện căng thẳng gia tăng với Mỹ để thúc đẩy dự trữ nhiều vũ khí hạt nhân hơn và rằng chiến lược đó dựa trên kịch bản ngày tận thế.
Trung Quốc là một trong năm cường quốc hạt nhân được công nhận theo Hiệp ước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Kho vũ khí hạt nhân của nước này được cho là có thể so sánh với Anh và Pháp, với khoảng 200 đến 300 đầu đạn.
Năm 2015, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Trung Quốc sở hữu tới 260 đơn vị vũ khí hạt nhân.
Mỹ và Nga có hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân ở đỉnh điểm của chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kho vũ khí của các nước này giảm xuống còn khoảng 4.000 đầu đạn.
Theo ông Triệu Thông, nếu Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong khi các cường quốc khác lại giảm nó, Bắc Kinh có thể bị cáo buộc phá hoại các nỗ lực không phổ biến và kiểm soát vũ khí hạt nhân của quốc tế.
Trung Quốc sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo tiên tiến. Ảnh: Sina
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi kể từ khi Washington xác định Bắc Kinh là đối thủ chiến lược hồi cuối năm 2017.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc từng lưu ý rằng chính sách của Washington đối với vũ khí hạt nhân khác rất nhiều so với Bắc Kinh. Theo Thời báo Hoàn cầu, Mỹ có hơn 5.000 đơn vị vũ khí hạt nhân và là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ phát triển một loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có tên Đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ nói trên có thể sử dụng trong các hoạt động quân sự cấp chiến thuật nếu việc sử dụng các lực lượng với vũ khí thông thường thất bại.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật là nó hoàn toàn có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân với sự tham gia của vũ khí hạt nhân chiến lược.
Bình luận (0)