Theo hãng tin Anadolu (AA), vào cuối tuần qua đã có nhiều đoàn cứu nạn, cứu trợ quốc tế hoàn thành nhiệm vụ và rời Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yunus Sezer, cho biết những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi.
Đến nay vẫn còn hơn 181.000 nhân viên thuộc các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 5.700 nhân viên thuộc các lực lượng của 67 quốc gia khác bám trụ vùng thảm họa.
Ngoài việc đưa thi thể các nạn nhân mất tích về với gia đình, thỉnh thoảng các đội cứu hộ vẫn tìm thấy phép mầu. Gần nhất là trường hợp sống sót phi thường của một cặp vợ chồng và con nhỏ, được đưa ra khỏi đống đổ nát ở tỉnh Hatay vào giờ thứ 296 sau thảm họa.
Tuy công tác tìm kiếm cứu nạn dần đến hồi kết, nhiều thách thức lớn vẫn còn phía trước. Ông Cengiz Aslan, điều phối viên dự án của một trung tâm cung cấp hàng cứu trợ ở tỉnh Adana - miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nói với AA rằng thời gian khó khăn nhất đã qua nhưng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng thay đổi hằng ngày: từ thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết để chôn cất người thân… đến lều, chăn, quần áo, dụng cụ vệ sinh, nhà vệ sinh di động.
Nhiều người dân vẫn bám trụ bên đống đổ nát của tỉnh Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-2, là tỉnh có nhiều đội tìm kiếm cứu nạn đang tiếp tục công việcẢnh: REUTERS
Trong các ngày 18 và 19-2, thêm hàng chục tấn hàng viện trợ từ các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia rót vào Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Lebanon, Israel… Mỹ, Anh cũng tuyên bố sẽ viện trợ thêm, trong khi một công ty Đức vừa gửi khẩn cấp 1.000 máy phát điện, Azerbaijan xây dựng một thành phố lều cho các nạn nhân sống sót ở tỉnh Kahramanmaras.
Ở phía Syria, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết nhiều đoàn xe của tổ chức này đã qua được biên giới và bắt đầu nhiệm vụ, thông qua 2 cửa khẩu được Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đồng thuận mở thêm nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển viện trợ cho khu vực do phe đối lập kiểm soát.
Trong thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động nhận được ngày 18-2, Tổ chức Y tế thế giới cho biết họ đang vận động một khoản tiền mới là 84,5 triệu USD để đáp ứng nhu cầu y tế hậu động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, bao gồm thuốc, vật tư y tế, chi phí kích hoạt các đội y tế khẩn cấp để chăm sóc người bệnh, giám sát - phòng chống các bệnh truyền nhiễm và giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần cho người dân vùng thảm họa.
AA dẫn lời điều phối viên thường trú của LHQ tại Thổ Nhĩ Kỳ Alvaro Rodriguez điểm lại những đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho cộng đồng quốc tế - bao gồm hỗ trợ người tị nạn Syria, góp phần quan trọng vào Sáng kiến ngũ cốc biển Đen, viện trợ nhiều nước trước đó… - và kêu gọi cộng đồng quốc tế "đáp lại sự hào phóng đó ngay bây giờ".
Liên quan đến lời kêu gọi 1 tỉ USD của LHQ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, ông cho biết số tiền này sẽ được sử dụng trong giai đoạn hỗ trợ nhân đạo 3 tháng sau thảm họa. Sau đó, nước này sẽ tiếp tục cần phục hồi và tái thiết theo nguyên tắc bền vững, bao gồm xây dựng các tòa nhà chống được động đất.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chiều 19-2, đoàn cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội) sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt: tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và CNCH, cho biết qua thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định chúng ta có thể làm được tất cả công việc liên quan công tác CNCH trên thế giới đã và đang làm. Việc này đã được minh chứng bởi sự ghi nhận và đánh giá cao của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và một số đơn vị CNCH như Mỹ, Pakistan...
Sau 7 ngày chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong những đống đổ nát, đoàn CNCH của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; phối hợp cùng lực lượng CNCH các nước giải cứu được một người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; tìm kiếm, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế địa phương; đồng thời đã chuyển gần 2 tấn thiết bị y tế của Bộ Công an Việt Nam cho cơ quan điều phối quốc gia AFAD và cho Sở Y tế TP Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ), được cơ quan điều phối quốc gia về CNCH và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao.
Trong khi đó, ngày 18-2, lực lượng CNCH của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tại tỉnh Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ theo hiệp đồng với cơ quan điều phối địa phương. Đoàn đã thực hiện tìm kiếm tại nhiều địa điểm ở khu vực xã Cebrail thuộc Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Tại mỗi vị trí, đoàn thống nhất phương án với lực lượng cứu hộ địa phương, sử dụng chó nghiệp vụ và các trang bị dò tìm công binh để trinh sát, tìm kiếm những nơi khả nghi có nạn nhân bị vùi lấp.
Kết quả, tại 2 ngôi nhà đổ sập ở khu vực trên, đoàn đã xác định được 2 vị trí có nạn nhân thiệt mạng. Đoàn đã bàn giao lại hiện trường để đơn vị cứu hộ địa phương đưa nạn nhân ra ngoài cho gia đình. Tính đến tối 18-2, lực lượng CNCH Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 14 vị trí có nạn nhân do trận động đất vừa qua, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.
Ng.Hưởng - D.Ngọc
Bình luận (0)