Từ ngày 16-1, công dân Mỹ muốn tham quan du lịch Cuba không cần xin giấy phép đặc biệt và được mang về nước xì gà Havana nổi tiếng, chấm dứt tình trạng cấm cửa mặt hàng rất được ưa chuộng này. Đó là một trong những quy định mới mà Mỹ ban hành một tháng sau khi Tổng thống Obama bất ngờ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với láng giềng Cuba.
“Ngoại giao tinh trùng”
Theo các quy định mới, du khách Mỹ được xài thẻ tín dụng ở Cuba. Đồng thời, doanh nghiệp Mỹ được phép xuất nhiều loại hàng hóa trước đây bị cấm qua Cuba, như: thiết bị viễn thông, máy tính điện tử... Đổi lại, Cuba vừa phóng thích 53 tù nhân chính trị.
Tại TP Albany, Văn phòng Thống đốc bang New York thông báo Thống đốc Andrew Cuomo sắp sửa cầm đầu phái đoàn thương mại đến Cuba. Chuyến đi này mở đầu một loạt cuộc viếng thăm chính thức Cuba của các quan chức cao cấp Mỹ…
Trên đây là những chuyển biến tích cực sau 18 tháng bí mật đàm phán bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba. Cuộc đàm phán khởi đầu từ mùa Xuân năm 2013 với sự góp sức của Canada và đặc biệt là Giáo hoàng Francis.
Trong lịch sử Mỹ, các vị tổng thống từng áp dụng chính sách “ngoại giao đô la” (thời William Howard Taft), “ngoại giao cây gậy lớn” (Theodor Roosevelt), “ngoại giao bóng bàn” (Richard Nixon). “Ngoại giao tinh trùng” là chính sách kỳ lạ nhất mà Tổng thống Barack Obama áp dụng khi tiến hành bí mật cuộc đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Nhà báo Ernesto Londoño nhận định trên tờ New York Times: “Đây là một ý tưởng lạ lùng nhất trong cuộc đàm phán bí mật giữa Washington và Havana”.
Người hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chưa có tiền lệ này là ông Gerardo Hernandez - 47 tuổi, công dân Cuba, bị Mỹ tuyên 2 án tù chung thân năm 2001 về tội làm gián điệp. Ông Hernandez được Mỹ trả về Havana ngày 17-12-2014 trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù binh. Cùng ngày, Cuba cũng trao trả cho Mỹ một điệp viên không được tiết lộ danh tính và ông Alan Gross - nhân viên Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), bị bắt về tội xâm phạm an ninh Cuba ở Havana cách đây 6 năm.
Chính sách “ngoại giao tinh trùng” đã được Mỹ áp dụng khi giữa cuộc đàm phán, Havana đề nghị Washington xem xét một tình huống đặc biệt: Bà Andriana Perez - năm nay 44 tuổi, vợ của ông Hernandez - muốn có con với chồng do lo sợ quá lớn tuổi. Trước đó, năm 2010, phía Cuba đã đề xuất cho bà Perez gặp chồng trong nhà tù Mỹ nhưng bất thành. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp visa vì CIA nghi ngờ bà này hoạt động gián điệp.
Trong cái rủi có cái may. Năm 2013, bà Perez gặp vợ chồng Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, một người ủng hộ việc cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba, tại một khách sạn ở Havana. Một lần nữa, bà Perez bày tỏ nguyện vọng của mình. Lúc đó, cuộc đàm phán bí mật Mỹ - Cuba mới ở giai đoạn đầu. Xét thấy đây là thời cơ hiếm có để thực hiện một việc đáng làm vì nó mang nội hàm nhân đạo và ngoại giao, ông Leahy giao nhiệm vụ cho trợ lý Tim Rieser tìm cách thuyết phục Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ.
Rieser phát hiện trong quá khứ, Cục Đặc trách nhà tù liên bang - Bộ Tư pháp Mỹ từng tạo điều kiện cho phạm nhân có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Dựa vào tiền lệ đó, Rieser xin lãnh đạo Bộ Tư pháp cho áp dụng đối với Hernandez, một người có vai trò đặc biệt trong kế hoạch trao đổi tù nhân gián điệp.
Chi tiết tinh trùng của ông Hernandez được chuyển đến Cuba vào lúc nào không được tiết lộ. Chỉ biết rằng theo đài CNN, các quan chức y tế Mỹ đã mang nó đến Panama rồi thực hiện cuộc thụ tinh nhân tạo dưới sự giám sát của 2 bên. Mọi chi phí do chính phủ Cuba tài trợ.
Lần thứ nhất thất bại, cuộc thử nghiệm thành công trong lần thứ hai. Khi ông Hernandez được thả về Cuba thì bà Perez đã mang thai 8 tháng. Ngày 6-1 vừa qua, bà Perez đã hạ sinh một bé gái tên Gema.
Tạo không khí cởi mở
Đối với nhân viên hợp đồng Alan Gross của USAID, thật ra ông này không nằm trong kế hoạch trao đổi tù nhân. Trường hợp của ông Gross còn “hoàn cảnh” hơn ông Hernandez, theo báo The New York Times.
Alan Gross, năm nay 65 tuổi, được USAID thuê đến Cuba để lắp đặt internet cho cộng đồng người Do Thái nhưng không xin phép chính quyền nước này. Ông bị bắt vào tháng 12-2009, đến năm 2011 bị kết án 15 năm tù về tội cung cấp trái phép điện thoại vệ tinh và thiết bị máy tính.
Trong lúc ở tù, Gross nghe tin mẹ ông sắp chết vì bệnh ung thư nên đã gây áp lực bằng cách tuyệt thực và đe dọa tự sát. Cuba sợ nếu mẹ của Gross chết (bà đã qua đời ngày 18-6-2014), ông sẽ tự sát nên đề xuất với Mỹ ưu tiên trao đổi với 3 tù nhân Cuba, trong đó có ông Hernandez.
Trong khi chờ đợi, Thượng nghị sĩ Leahy yêu cầu chính quyền Cuba cải thiện điều kiện giam cầm Gross, như cung cấp máy tính và máy in. Kể lại chuyện này, ông Rieser nhìn nhận: “Chuyện này (giúp ông Hernandez có con) tạo ra bầu không khí cởi mở hơn cho cuộc đàm phán, rất cần thiết cho việc trao trả Alan Gross và sự thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ”.
Kỳ tới: 18 tháng “đi đêm”
Ngũ hùng Cuba
Gerardo Hernandez là trưởng nhóm 5 người Cuba được biệt phái sang miền Nam bang Florida vào tháng 12-1990 để giám sát những hoạt động phản cách mạng của các tổ chức Cuba chống cộng được Mỹ nuôi dưỡng. Chính phủ Cuba gọi họ là “5 vị anh hùng dân tộc” vì đã ngăn chặn được nhiều âm mưu phá hoại, lật đổ Havana và báo cho FBI bắt được 2 nhóm người Cuba buôn lậu ma túy.
Tất cả bị bắt năm 1998 tại Mỹ, bị kết án về tội “Xâm nhập căn cứ quân sự” và “Hoạt động tình báo bất hợp pháp cho chính phủ nước ngoài” vào năm 2001. Cuối năm 2014, Hernandez được trao trả cho Cuba cùng 2 đồng đội là Ramon Labañino và Antonio Guerrero. Hai thành viên còn lại là Fernando Gonzalez và René Gonzalez đã được thả vào năm 2011 và 2013.
Bình luận (0)