17-12-2014 là sinh nhật lần thứ 78 của Giáo hoàng Francis. Đó cũng là một ngày lịch sử đối với Mỹ và Cuba. Sau 53 năm đóng băng, quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đã ấm lại nhờ đóng góp không nhỏ của Giáo hoàng Francis.
Trong tuyên bố lịch sử đêm 17-12 năm ngoái, sau khi nhấn mạnh vai trò của Vatican trong việc thúc đẩy Mỹ và Cuba tiến lại gần nhau, chấm dứt chiến tranh lạnh, Tổng thống Obama bày tỏ: “Tôi muốn cảm ơn Đức Giáo hoàng Francis. Ngài là một tấm gương đạo đức, chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hướng tới một thế giới mà chúng ta hằng mong ước, chứ không cam lòng với thế giới hiện có”.
Hai bức tâm thư
Tổng thống Obama và Giáo hoàng Francis đã gặp nhau tại Vatican vào ngày 27-3-2014. Lúc đó, tiến trình đàm phán bí mật Mỹ - Cuba đã đi quá nửa chặng đường. Đó cũng là lần đầu tiên Tổng thống Obama gặp Giáo hoàng trong bối cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Washington và Vatican.
Đôi bên bất đồng sâu sắc về vấn đề ngừa thai mà ông Obama ủng hộ trong khi giáo hội Công giáo Mỹ phản đối quyết liệt. Ngoài vấn đề bề nổi này, theo truyền thông, 2 người cũng đã thảo luận về việc di dân, người nghèo trên thế giới…
Không ai đoán biết 2 người vốn sinh ra trên cùng châu lục đã bàn sâu chuyện bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, trong đó Vatican - cụ thể là Giáo hoàng - đóng vai trung gian. Giáo hoàng Francis, tên đầy đủ là Jorge Mario Bergoglio, sinh ra ở Argentina, là người Nam Mỹ đầu tiên được tấn phong chức vị cao cả nhất trong lịch sử Vatican.
Sau cuộc gặp, Giáo hoàng Francis đã viết 2 bức tâm thư gửi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro. Theo Thông cáo Vatican ngày 17-12-2014, nội dung 2 bức thư như nhau: Kêu gọi 2 nhà lãnh đạo giải quyết các vấn đề nhân quyền vì lợi ích chung, đặc biệt là hoàn cảnh một vài tù nhân (cụ thể là Alan Gross, nhân viên Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, bị bắt về tội xâm phạm an ninh Cuba ở Havana cách đây 6 năm), tạo đà khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Sau hơn 1 năm đàm phán chủ yếu ở Canada, tháng 10-2014, 2 phái đoàn đại diện chính quyền Mỹ và Cuba đã có một phiên họp đặc biệt tiến hành trong vòng bí mật tuyệt đối tại Vatican. Tại cuộc họp có mặt Giáo hoàng Francis này, 2 bên hầu như giải quyết dứt điểm những vấn đề tế nhị, theo Thông cáo Vatican nêu trên.
Một tháng sau, cuộc đàm phán kết thúc trong sự hân hoan của các bên. Ngày 17-12-2014, Vatican được vinh danh trong tuyên bố của Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro vì đã đóng vai trò chủ yếu trong cuộc đàm phán.
Đột phá cá nhân
Sau Cách mạng 1959, quan hệ giữa Vatican và Havana đã được cải thiện đáng kể vào năm 1998 khi Giáo hoàng John-Paul II chính thức viếng thăm Cuba. Vị Giáo hoàng này, vốn là người thức thời, chủ trương đối thoại với các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 2012, người kế nhiệm ông là Giáo hoàng Benedict XVI cũng đi theo con đường này, đến Cuba chủ trì lễ Misa mang tính lịch sử tại Quảng trường Cách mạng Havana.
Ông Massimo Faggioli, giáo sư thần học tại Đại học St. Thomas, bang Minnesota - Mỹ, cho biết Giáo hoàng từng bí mật đàm phán với các tướng lĩnh chế độ quân phiệt Argentina hồi thập niên 1970. Vì vậy, theo giáo sư, kinh nghiệm cá nhân đó đã giúp Giáo hoàng làm tốt vai trò trung gian giữa Mỹ và Cuba. Vì là người Nam Mỹ, Giáo hoàng có nhiều kênh ngoại giao ở Cuba hơn các vị tiền nhiệm. Vả lại, Giáo hoàng rất quan tâm đến tín hữu Công giáo rất đông đảo ở Cuba nói riêng và châu Mỹ nói chung.
Điều đáng nói hơn cả, theo giáo sư Massimo, là dấu ấn cá nhân của Giáo hoàng Francis. Trước đây, công tác ngoại giao do các giáo chủ hồng y và giám mục điều hành với tư cách đại diện cho Vatican. Lần này, đích thân Giáo hoàng làm công tác ngoại giao và thành công nhờ được Washington lẫn Havana tin cậy.
Ông Obama thắng lớn
Nhìn chung, Tổng thống Obama đã thắng lớn với quyết định táo bạo tái lập quan hệ với Cuba. Kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành từ ngày 7 đến 11-1 vừa qua với 1.504 người được hỏi cho thấy 63% người Mỹ ủng hộ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn 50 năm thù địch. Trong khi đó, tỉ lệ người ủng hộ việc chấm dứt cấm vận kinh tế và chính trị Cuba còn lớn hơn, đạt 66%.
Cuộc thăm dò nêu trên - được công bố hồi cuối tuần rồi - cũng cho thấy những người Mỹ theo Đảng Dân chủ (74%) và các đảng độc lập (67%) tán thành mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng như tháo dỡ mọi biện pháp cấm vận kinh tế đối với quốc gia láng giềng này.
Đảng Cộng hòa chia rẽ
Trung tâm Pew cũng đã thăm dò dư luận trong Đảng Cộng hòa đối lập. Điều thú vị là lần đầu tiên có sự chia rẽ đáng kể trong nội bộ đảng này trước quyết định táo bạo của Tổng thống Obama. Tỉ lệ đảng viên “bảo hoàng hơn vua” ủng hộ tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba chỉ có 33%, còn tỉ lệ chống đối lên đến 55%. Trong khi đó, tỉ lệ đảng viên theo khuynh hướng ôn hòa và cấp tiến ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama lớn hơn phe chống đối (54% so với 33%). Trong vấn đề chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Cuba, sự khác biệt cũng tương tự. Tỉ lệ ủng hộ của phe “bảo hoàng hơn vua” thấp hơn phe ôn hòa (40% so với 61%).
Nội bộ Đảng Cộng hòa cũng chia thành 2 phe rõ rệt - mà hãng thông tấn AP gọi là phe “Ưu tiên dân chủ - nhân quyền” và phe “Phòng thương mại” - khi Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ ban hành những quy định mới có hiệu lực từ ngày 16-1 về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước theo hướng có lợi cho nền kinh tế. Đây là một sự kiện bất thường bởi xưa nay, mọi hành động của chính quyền Obama đều bị các nghị sĩ Cộng hòa đồng thanh lên án và phản đối.
Bình luận (0)