Theo dữ liệu do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 31-8, bốn chuỗi nhà thuốc quốc gia cho biết mỗi chuỗi có hơn 1 triệu liều thuốc bị lãng phí. Được biết, nhà thuốc Walgreens có số liều vắc-xin bị vứt bỏ nhiều nhất, lên tới gần 2,6 triệu liều. Tiếp sau đó là CVS với 2,3 triệu liều, Walmart 1,6 triệu liều và Rite Aid 1,1 triệu liều.
Dữ liệu của CDC do các hiệu thuốc, tiểu bang và các nhà cung cấp vắc-xin khác tự báo cáo. Nó không mang tính bao quát vì thiếu một số tiểu bang và nhà cung cấp liên bang, cũng như không bao gồm lý do các liều thuốc bị vứt bỏ. Số liều thuốc bị lãng phí vẫn là một phần nhỏ trong tổng số vắc-xin được sử dụng ở Mỹ.
Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 15,1 triệu liều vắc-xin Covid-19. Ảnh: Medical Xpress
Nhìn chung, nguyên nhân khiến các điểm tiêm chủng có thể phải vứt bỏ vắc-xin bao gồm nứt lọ, lỗi pha loãng vắc-xin, sự cố trong tủ đông hay lượng vắc-xin nhiều hoặc ít hơn mong muốn.
Dữ liệu về số liều vắc-xin bị vứt bỏ được công bố trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh chóng khắp nước Mỹ, tăng tính cấp thiết trong nỗ lực tiêm chủng nói chúng và thúc đẩy kế hoạch tiêm mũi tăng cường nói riêng.
"Thật bi kịch khi chúng ta rơi vào tình cảnh vắc-xin bị lãng phí trong lúc nhiều nước châu Phi chưa tiêm chủng được 5% dân số của họ. Rất nhiều khu vực ở phía Nam bán cầu chưa được tiêm chủng. Tỉ lệ tiêm ở lục địa châu Phi vẫn ở mức dưới 10%. Đây là một sự bất bình đẳng lớn và nó thực sự có vấn đề" - bà Sharifah Sekalala, phó giáo sư luật sức khỏe toàn cầu tại Trường ĐH Warwick (Anh), nói.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Nội vụ và Y tế Thụy Sĩ Alain Berset vào ngày 24-5. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên Kristen Nordlund của CDC nói tỉ lệ vắc-xin Covid-19 bị lãng phí "vẫn rất thấp, đó là bằng chứng về sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ liên bang, các cơ quan pháp lý và các nhà cung cấp vắc-xin để có càng nhiều người tiêm chủng càng tốt trong khi giảm lãng phí vắc-xin trên hệ thống".
"Khi khả năng tiếp cận vắc-xin 19 đã tăng lên, điều quan trọng là các nhà cung cấp không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để tiêm chủng cho những người đủ điều kiện, ngay cả khi điều đó có thể làm tăng khả năng để lại các liều chưa sử dụng" - bà Nordland nói thêm.
Trong 1 diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi 1 biến thể Covid-19 mới với tên gọi "mu" được cho là có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch có được sau khi mắc Covid-19 hay tiêm vắc-xin. Mu, còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621, đã được thêm vào danh sách các biến thể "được quan tâm" của WHO vào ngày 30-8.
Theo WHO, "mu" chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên, khiến vắc-xin hoặc phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không hiệu quả với nó như với virus ban đầu.
Bình luận (0)