Reuters ngày 16-9 cho biết sự trở lại đột ngột của Taliban khiến hàng trăm nhà ngoại giao Afghanistan ở nước ngoài lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan": tiếp tục ở lại thì không còn tiền để duy trì hoạt động nhưng nếu trở về đất nước có thể bị Taliban nhắm mục tiêu.
Trước đó, Taliban ngày 14-9 tuyên bố họ đã gửi tin nhắn cho tất cả đại sứ quán Afghanistan ở nước ngoài, yêu cầu các nhân viên ngoại giao tiếp tục công việc của họ.
"Quyền Bộ trưởng Ngoại giao" Afghanistan Amir Khan Muttaqi lập luận Afghanistan đã đầu tư vào các nhà ngoại giao rất nhiều. Vì vậy, họ là tài sản của Afghanistan. Một nhà ngoại giao cấp cao Afghanistan ước tính có khoảng 3.000 người đang làm việc trong các đại sứ quán của nước này.
Một nhà ngoại giao cấp cao Afghanistan ước tính có khoảng 3.000 người đang làm việc trong các đại sứ quán của nước này. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, 8 nhân viên đại sứ quán Afghanistan tại Canada, Đức và Nhật Bản nói với Reuters rằng họ đang "tuyệt vọng".
"Các đồng nghiệp của tôi ở đây và nhiều quốc gia khác đang khẩn cầu các quốc gia chủ nhà cho họ ở lại. Họ sẵn sàng trở thành người tị nạn. Tôi sẽ bán mọi thứ, bao gồm ngôi nhà ở thủ đô Kabul, để bắt đầu lại từ đầu" - một nhà ngoại giao Afghanistan ở Berlin - Đức, chia sẻ. Ông phải giấu tên vì lo ngại vợ và 4 cô con gái ở Kabul gặp nguy hiểm.
Một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Afghanistan ở Ottawa - Canada, cho biết họ không còn tiền nên không thể duy trì hoạt động. Bản thân người này hiện không được trả lương.
Hai nhân viên Đại sứ quán Afghanistan ở New Delhi - Ấn Độ cũng phàn nàn về việc hết tiền nên không thể đáp ứng nhiệm vụ giúp hàng ngàn người Afghanistan muốn về nhà đoàn tụ với gia đình hoặc cần xin tị nạn ở quốc gia khác.
"Tôi chỉ còn cách ngồi im trong khuôn viên đại sứ quán và chờ xem có quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận tôi và gia đình mình hay không" - một nhân viên ngoại giao Afghanistan ở New Delhi nói.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Afzal Ashraf, Trường ĐH Nottingham (Anh), cho hay các nhà ngoại giao Afghanistan ở nước ngoài đang gặp khó khăn vì chờ đợi cộng đồng quốc tế quyết định công nhận Taliban hay không.
"Phó Thủ tướng" Mullah Abdul Ghani Baradar do Taliban chỉ định vừa lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time năm 2021. Mullah Baradar là người dẫn đầu phái đoàn Taliban trong các cuộc đàm phán với Mỹ về thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan.
Vào tháng 2-2020, khi Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad chính thức ký thỏa thuận hòa bình ở Doha - Qatar, Mullah Baradar cũng là người đứng đầu phái đoàn Taliban.
Bình luận (0)