Một loại sâu bướm được gọi là “sâu xanh mùa thu” (fall armyworm, tên khoa học Spodoptera frugiperda) đang lan rộng khắp châu Phi và có khả năng tiếp cận châu Á, Địa Trung Hải trong vài năm tới, đặt ra mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp, hoạt động thương mại và an ninh lương thực thế giới.
Phá hoại nghiêm trọng mùa màng
Theo một nghiên cứu được công bố hôm 6-2, các nhà khoa học tại Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế (CABI) ở Anh cho biết loại sâu bướm gây hại này, vốn chưa từng tồn tại ngoài châu Mỹ, dự kiến hoành hành mạnh mẽ ở châu Phi trong vài năm tới.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tuần trước cho biết sâu bướm đã xuất hiện thêm ở Namibia và Mozambique sau khi các “ổ dịch” bùng phát tại Zambia, Zimbabwe, Malawi và Nam Phi.
Nghiên cứu của CABI cũng phát hiện bằng chứng về sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 loài sâu xanh mùa thu ở Ghana. “Đây là lần đầu tiên cả 2 loài sâu bướm được chứng minh hiện diện trên lục địa châu Phi sau các báo cáo trước đó về sự xuất hiện của sâu bướm ở Nigeria, Togo và Benin, điều này cho thấy rõ ràng chúng đang lây lan rất nhanh” - TS Matthew Cock, người đứng đầu hoạt động nghiên cứu khoa học tại CABI, lo ngại.
Giới khoa học đang tìm hiểu làm thế nào chúng lây lan ở đó cũng như tìm biện pháp tiêu diệt mà không gây hại đến môi trường. Theo đài BBC, một số nhà khoa học cho rằng loại sâu bướm này và trứng của nó có thể đến được châu Phi thông qua sản phẩm nhập khẩu.
Một nông dân đang kiểm tra cây ngô bị sâu bướm phá hoại ở Zambia Ảnh: Reuters
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi (DAFF) hôm 3-2 cũng xác nhận sâu xanh mùa thu là thủ phạm gây hại cây trồng trên khắp Limpopo và các tỉnh Tây Bắc. Đây là lần đầu tiên sâu bướm mùa thu tấn công Nam Phi sau khi bị phát hiện ở Nigeria một năm trước.
Theo DAFF, báo cáo cây trồng thiệt hại được ghi nhận đến nay chủ yếu là ngô vàng, đặc biệt là ngô ngọt. DAFF cho rằng hiện chưa có thuốc trừ sâu tại Nam Phi có thể chống lại sâu bướm mùa thu. Còn ở Malawi, tình trạng sâu bướm phá hoại mùa màng đã lan rộng trên khắp 28 quận nước này.
Cần hành động cấp thiết
Loại sâu bướm trên trước đây chỉ sinh sống ở Bắc và Nam Mỹ. Nó còn được gọi là “sâu xanh mùa thu” vì có xu hướng di trú vào mùa thu và “tàn phá” cây trồng trên đường đi.
Nhờ gió, loài côn trùng xâm lấn này có thể lan rộng nhưng chúng lại khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn so với sâu bướm châu Phi.
Theo Reuters, sâu bướm có sở thích đục khoét ngô non và tấn công các cánh đồng ngô, một loại cây trồng chủ lực ở châu Phi. Không dừng lại ở đó, sâu bướm cũng tấn công hơn 100 loài thực vật, gây thiệt hại lớn đối với một số cây trồng như lúa, mía, cải bắp, củ cải và đậu nành.
Vì thế, ông Cook cảnh báo “binh đoàn” sâu bướm có thể gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng và khiến nông dân nợ nần. “Loài sâu bướm nguy hiểm này đang lan rộng nhanh chóng ở châu Phi và có khả năng lan sang châu Á. Cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng đối với cây trồng và sinh kế của nông dân” - TS Matthew Cock kêu gọi.
Đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng trên, FAO có kế hoạch họp khẩn tại thủ đô Harare - Zimbabwe từ ngày 14 đến 16-2. Trước mắt, Zambia đã sử dụng máy bay quân đội để phun thuốc trừ sâu xuống khu vực bị ảnh hưởng.
Tuần trước, DAFF cho biết cũng đã đặt mua thuốc trừ sâu mới để diệt trừ sâu bướm. Một nhóm đối phó dịch hại cây trồng do DAFF thành lập sẽ thường xuyên họp bàn cách đối phó sâu bướm. Theo Reuters, các quốc gia bị xác nhận có “ổ dịch” sâu bướm có thể đối mặt lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp bởi sâu bướm thuộc nhóm cần kiểm dịch.
Bình luận (0)