Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa tầm trung nhưng một số vụ được cho là bị thất bại.
Tên lửa nổ ngay sau khi rời bệ phóng hoặc bay một quãng đường rồi phát nổ. Tưởng chừng hậu quả để lại từ các vụ phóng tên lửa không thành công của Bình Nhưỡng là không có. Tuy nhiên, trên thực tế, mối đe dọa vẫn tồn tại.
Tờ Nikkei (Nhật Bản) ngày 2-5 phân tích tác hại của những vụ phóng tên lửa được cho là thất bại của Triều Tiên. Trước hết, tờ này cho biết một vụ nổ hạt nhân trên cao có thể gây ra xung điện từ (EMP).
Nó có thể làm cho hệ thống cảnh báo J-Alert của Nhật Bản ngưng hoạt động và mọi người không thể xem tivi, nghe đài hoặc truy cập internet. EMP còn làm ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khiến chúng bị tắc nghẽn.
Nói tóm lại, Nikkei khẳng định một vụ nổ hạt nhân trên cao có thể được sử dụng để vô hiệu hóa cả một quốc gia.
Năm 1962, Mỹ tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân tầm cao ở Thái Bình Dương, tạo ra một luồng EMP mạnh tới mức làm Hawaii mất điện.
Ngày nay, hậu quả do EMP để lại được dự báo sẽ rất nặng nề vì các thiết bị điện tử được sử dụng rộng rãi nhưng người ta chưa thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại.
Việc sử dụng vũ khí có những ảnh hưởng chưa được biết đến được xem là điều cấm kỵ trong quân sự. Vì vậy, những hành động quân sự của Triều Tiên thường nhằm phát đi các thông điệp mà chỉ có chuyên gia quân sự mới giải mã được.
Khi Triều Tiên phóng 7 quả tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) năm 2006, thông điệp Bình Nhưỡng muốn đưa ra là nếu nhóm tàu sân bay Mỹ áp sát nước này, họ có thể thả một quả bom hạt nhân để phá hủy tất cả.
Khi Bình Nhưỡng phóng 4 tên lửa hồi tháng 3 năm nay, họ muốn cảnh báo sẽ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.
Gần đây nhất, ngày 25-4, Triều Tiên mở cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật quy mô lớn như một lời nhắc nhở sẽ dội đạn pháo xuống Hàn Quốc trong trường hợp Mỹ bất ngờ tấn công Triều Tiên.
Lần này, theo Nikkei, Triều Tiên dường như phát đi tín hiệu nước này sẵn sàng sử dụng một vụ tấn công EMP để đáp trả các động thái quân sự của Mỹ, như sự áp sát của nhóm tác chiến tàu sân bay.
Bình luận (0)