Không phải ngẫu nhiên mà tuần báo Mỹ Time bỗng quan tâm đến tác giả các weblog (đọc we-blog) ở Mỹ hoàn toàn vô danh đối với công chúng báo chí truyền thống (báo viết, báo ảnh) nhưng lại nổi tiếng trên mạng Internet. Time định nghĩa weblog là “những website nghiệp dư đăng tải tin tức, thông tin và nhất là dư luận quần chúng, nhằm phục vụ những đối tượng quan tâm đến một hoặc hai vấn đề gì đó hoặc đơn giản bị chính tác giả weblog mê hoặc”. Nhân tiện, tờ Time nêu tên 3 tác giả weblog (thường gọi là blogger) nổi tiếng ở Mỹ. Đó là Mathew Gross, 32 tuổi, nguyên là nhà văn tự do; Rob Malda, 28 tuổi, cựu sinh viên và Denis Dutton, 60 tuổi, cựu giáo sư triết học.
Hiện tượng weblog - một dạng thời luận trực tuyến - bùng nổ từ cuối thập niên 1990. Xuất hiện dưới dạng website, các blogger chủ yếu cung cấp thông tin đề cập tới những chủ đề chọn lọc, không giống như các báo truyền thống. Trên thực tế, các blogger là những nhà quan sát nhạy bén và chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Được các phần mềm hỗ trợ dễ sử dụng, các weblog phổ biến rất nhanh. Ai cũng có thể dễ dàng tạo ra một weblog cho mình.
Tuy vậy, làm cho một weblog sống thọ không dễ chút nào. Thậm chí đã có người thân bại, danh liệt vì nó. Đó là trường hợp của một thống đốc Mỹ có tên Trent Lott. Ông này dùng weblog của mình tung lên mạng những nhận xét mang tính chất hoài cổ luyến tiếc thời vàng son của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Đây là đề tài mà báo chí truyền thông Mỹ bỏ qua từ lâu. Kết quả, Trent Lott phải trả giá cho thái độ chính trị “không đúng đắn” của mình là mất ghế thống đốc. Theo Time, Trent Lott là nạn nhân đầu tiên ở Mỹ vì cái weblog của mình.
Vì bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo nghiệp dư nhờ weblog, hiện tượng phát triển ồ ạt các weblog trên mạng đang gây sự chú ý lẫn nỗi lo âu của một số người ở Mỹ. Nó tạo ra một phong cách mới của cư dân Internet. Theo Blogcount, một cơ quan chuyên về weblog, tính đến tháng 6-2003, thế giới có từ 2,4 triệu đến 2,9 triệu weblog còn hoạt động, chiếm 1/3 số weblog được tạo ra trên khắp thế giới; 2/3 còn lại, vì lý do này nọ, không còn hoạt động nữa. Tiếng Anh là ngôn ngữ thường dùng của các blogger, chiếm trên 50% weblog thế giới.
Ai đọc weblog? Theo Blogads, một website chuyên nghiên cứu hiện tượng weblog, phần lớn độc giả của weblog (61%) trên 30 tuổi và có thu nhập khá cao (75%). Tại Mỹ 40% độc giả của weblog có thu nhập trên 90.000 USD/năm. Hầu hết đều là dân Internet chính hiệu, thường mua sắm qua mạng (sách, vé máy bay v.v...). Đa số độc giả weblog là dân ghiền thời sự trên net, 54% lượng thông tin mà họ biết nhờ đọc weblog và các báo điện tử, chỉ có 16,5% nhờ đọc báo viết.
Weblog trở thành kẻ cạnh tranh đáng gờm với báo chí truyền thống vì nó hoạt động như kính lúp. Mỗi weblog đào sâu một vấn đề, lôi kéo độc giả cùng tham gia phân tích, bình phẩm vấn đề đó đến nơi đến chốn. Sức chiến đấu mạnh mẽ của blogger cũng là một đặc trưng của weblog. Ở Mỹ gần đây là trường hợp của Russ Kick. Qua weblog của mình, ngày 21-4-2004, Kick đã tung lên mạng hình ảnh những quan tài xác lính Mỹ chết trận ở Iraq. Chỉ 2 ngày sau, 4 triệu trang weblog của Kick đã được độc giả tải xuống chỉ trong một ngày. Thông tin của Kick đã làm Chính phủ Mỹ lúng túng bởi những tấm ảnh này đã được kiểm duyệt rất kỹ, báo chí truyền thống không biết hoặc không dám đưa.
Bình luận (0)