Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare ngày 31-3 cho biết: "Các quan chức của Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký tắt các điều khoản của Khuôn khổ hợp tác an ninh song phương giữa hai nước ngày hôm nay".
Theo dự thảo của thỏa thuận bị rò rỉ vào tuần trước, chi tiết thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh và hải quân tới quốc đảo Thái Bình Dương này khi có khủng hoảng. Tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quần đảo Solomon.
Ngoài ra, thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai theo yêu cầu của Solomon để đến quốc đảo này duy trì "trật tự xã hội". Các lực lượng của Bắc Kinh cũng được phép bảo vệ "sự an toàn của nhân viên Trung Quốc" và "các dự án lớn ở quần đảo Solomon".
Binh sĩ Úc tuần tra ở Honiara, Quần đảo Solomon, vào năm ngoái. Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc
Hiện thỏa thuận này chỉ chờ ngoại trưởng hai nước ký. Theo tờ The Guardian, chưa biết liệu sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết hay không.
Tuy nhiên, việc rò rỉ dự thảo đã gây ra phản ứng khắp khu vực. Mỹ và Úc từ lâu lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này phát huy sức mạnh vượt xa biên giới của mình.
Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Bắc Kinh đều có thể buộc Canberra và Washington phải thay đổi thế trận quân sự của họ trong khu vực. Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng Quốc phòng Úc, cho rằng hiệp ước Trung Quốc - quần đảo Solomon sẽ làm "thay đổi tính toán" về các hoạt động của Úc ở Thái Bình Dương.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bác bỏ những lời chỉ trích về thỏa thuận, nói rằng "không có ý định hay yêu cầu từ Trung Quốc để xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon".
Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo gửi thư tới Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bày tỏ lo ngại. Ảnh: Reuters
Thông tin ký kết hiệp ước an ninh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo gửi thư tới Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, bày tỏ "những lo ngại an ninh nghiêm trọng về thỏa thuận" với lý do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Ông Panuelo viết: "Nỗi lo sợ của tôi là các quốc đảo Thái Bình Dương chúng ta sẽ trở thành tâm điểm cuộc đối đầu trong tương lai giữa các cường quốc này". Ông Panuelo cũng đề nghị lãnh đạo Quần đảo Solomon xem xét lại hiệp ước an ninh "chưa từng có" với Trung Quốc, cũng như hậu quả lâu dài đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, thậm chí toàn thế giới.
Cũng có người lo ngại rằng thỏa thuận có thể gây ra xung đột ở Solomon. Đảo quốc 800.000 dân này đã phải hứng chịu không ít bất ổn chính trị và xã hội, nhiều người dân sống trong cảnh nghèo đói. Tháng 11-2021, người biểu tình tìm cách xông vào quốc hội và bạo loạn trong 3 ngày, đốt cháy nhiều khu phố người Hoa ở thủ đô Honiara.
Bình luận (0)