Chương trình tiêm phòng Covid-19 của Malaysia lập kỷ lục mới vào ngày 14-6 với gần 200.000 mũi tiêm/ngày, mức tăng cao nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu nỗ lực phủ sóng vắc-xin vào ngày 24-2, nâng tổng số người được tiêm ít nhất 1 liều lên hơn 3,2 triệu người.
Phân cấp tiêm chủng
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin Covid-19 gia tăng, chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm 200.000 mũi/ngày đến cuối tháng 7. Ban đầu, sau khi được bàn giao vắc-xin của Công ty AstraZeneca (Anh), quốc gia này triển khai kế hoạch tiêm chủng song song, tự nguyện theo phương châm ai đăng ký trước được tiêm trước. Tuy nhiên, với việc hàng trăm ngàn người ồ ạt đăng ký trực tuyến, cổng thông tin đăng ký và theo dõi tiêm chủng của chính phủ Malaysia đã gặp sự cố.
Trước phản ứng quyết liệt của người dân về phương án đăng ký tiêm vắc-xin AstraZeneca tự nguyện, chính phủ Malaysia buộc phải bổ sung sản phẩm này vào lại Chương trình Tiêm chủng quốc gia (NIP). Cho đến giai đoạn cuối tháng 5, nỗ lực tiêm vắc-xin Covid-19 hầu như chỉ diễn ra bên trong các trung tâm tiêm chủng của chính phủ.
Các trung tâm ban đầu, nhỏ hơn được gộp thành những cơ sở tiêm phòng quy mô lớn có khả năng thực hiện hàng ngàn mũi tiêm/ngày nhưng vẫn không giải quyết kịp nhu cầu của người dân. Lo ngại virus lây lan từ đám đông đứng chờ bên ngoài các trung tâm này, Liên đoàn Các hiệp hội hành nghề y tư nhân Malaysia (FPMPAM) kêu gọi phân cấp tiêm chủng.
Người dân chờ tiêm vắc-xin Covid-19 trại một trạm tiêm lưu động ở thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia hôm 8-6 Ảnh: REUTERS
"Chúng ta cần thêm các trung tâm để tiêm vắc-xin cho người dân, bao gồm tất cả cơ sở khám chữa bệnh địa phương, tất cả bệnh viện và phòng khám đa khoa" - Chủ tịch FPMPAM Steven Chow nhấn mạnh hôm 29-5, đồng thời kêu gọi đơn giản hóa hệ thống đăng ký tiêm chủng hiện hành.
Trước lời kêu gọi của giới chuyên gia cùng với việc nguồn cung vắc-xin gia tăng trong tương lai gần, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuần rồi tuyên bố bổ sung tổng cộng 1.000 phòng khám và bệnh viện tư nhân vào NIP đến cuối tháng 6 để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Các trung tâm tiêm phòng được thiết lập ở vùng đô thị thường khó tiếp cận đối với người cao tuổi, người khuyết tật hoặc những người không có phương tiện di chuyển cá nhân…Do đó, kể từ ngày 3-6, chính phủ Malaysia đã thành lập các trạm tiêm lưu động ở 9 bang để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiêm phòng tại khu nhà ở xã hội, viện dưỡng lão và vùng nông thôn.
Với tất cả biện pháp trên, chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
5 yếu tố chủ chốt
Mặc dù có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ - 2 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, Bhutan đến giờ vẫn kiểm soát tốt đại dịch và đang trên đà tiêm chủng cho hơn 90% dân số trưởng thành. Một trong những khó khăn của Bhutan là nhiều cộng đồng sinh sống tại các khu vực hẻo lánh. Chính phủ Bhutan tiếp cận những cộng đồng này chủ yếu bằng trực thăng và nhân viên y tế.
Nhân viên y tế và tình nguyện viên Bhutan phải đi bộ quãng đường dài để đưa vắc-xin đến người dân Ảnh: UNICEF
Theo Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Bhutan Gerald Daly, tình nguyện viên cùng các biện pháp phòng tránh đại dịch của chính phủ là nhân tố chủ chốt tạo nên thành công này.
Chẳng hạn, tình nguyện viên hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác hậu cần và cách ly. Họ cũng rất hiệu quả trong việc triển khai lệnh phong tỏa cũng như hỗ trợ phân phối lương thực và nhu yếu phẩm. Với người lớn tuổi và những người gặp vấn đề đi lại, vắc-xin sẽ được đưa đến tận nhà.
Theo tạp chí The Atlantic, 5 yếu tố chủ chốt trong chiến lược tiêm phòng của Bhutan gồm lãnh đạo gắn kết, chuẩn bị kỹ càng, hành động nhanh chóng, dựa trên thế mạnh sẵn có và hỗ trợ kịp thời những cộng đồng cô lập. Niềm tin dành cho chính phủ và thời điểm cũng đóng vai trò không nhỏ. Chỉ 1 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc, quốc gia này đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới để bàn về giải pháp phòng chống đại dịch toàn cầu tiềm tàng.
"Một trong những bài học mà chúng ta rút ra được từ Bhutan là kết quả tích cực của việc lắng nghe hướng dẫn và tuân thủ chỉ thị đối với chương trình tiêm chủng. Hành động nhanh nhạy, quyết đoán của chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta đang ở một quốc gia rất khác biệt" - chuyên gia Elizabeth Jackson của Trường ĐH Curtin (Úc) khẳng định, đồng thời nhấn mạnh so với Bhutan, Úc có diện tích lớn, dân số đa dạng với thái độ đa chiều hơn rất nhiều đối với quyết định của chính phủ, vốn là điều rất đáng hoan nghênh ở một số khía cạnh.
Kế hoạch tham vọng của Thái Lan
Thái Lan đang tăng tốc phủ sóng vắc-xin Covid-19 và tính đến ngày 16-6, quốc gia này đã tiêm hơn 7 triệu mũi. Theo dữ liệu của Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 Thái Lan (CCSA), hơn 2,9 triệu liều vắc-xin đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn bắt đầu vào 10 ngày trước đó, nâng tổng số người được tiêm liều đầu tiên lên 5,1 triệu người, tương đương 7,3% dân số.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đêm 16-6 (giờ địa phương) thông báo kế hoạch tái mở cửa đón du khách nước ngoài trong 4 tháng nữa. Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan lên kế hoạch thực hiện trung bình 10 triệu mũi tiêm/tháng từ tháng 7 nhằm chạm mốc 50 triệu người được tiêm liều đầu tiên vào đầu tháng 10 - Thủ tướng Prayut cho biết thêm. Thái Lan dự kiến bắt đầu chương trình thử nghiệm vào tháng tới để cho phép du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ đến thăm Phuket mà không cần cách ly.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit tuyên bố nới thời gian nghỉ giữa 2 mũi tiêm lên 16 tuần để tăng số người được tiêm chủng, giúp đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn. Theo USA Today, Thái Lan đến giờ chỉ mới có nguồn cung vắc-xin từ công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh). Thủ tướng Prayuth cho biết chính phủ của ông đang đạt được bước tiến trong đàm phán mua những loại vắc-xin khác, bao gồm Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson và Moderna.
Bình luận (0)