Trong vài tuần trở lại đây, ít nhất 17 người sống tại các bang Uttar Pradesh, Karnataka, Tamil Nadu và Maharashtra của Ấn Độ đã bị hổ sát hại khiến cư dân địa phương đe dọa dùng “luật rừng” để xử lý chúng.
Sát thủ 4 chân
Chỉ tại vùng Dodabetta thuộc bang Tamil Nadu, một con hổ đã giết chết 3 người kể từ ngày 4-1 trước khi bị nhân viên kiểm lâm bắn chết. Nỗi lo về sát thủ 4 chân buộc các trường học tại địa phương này đóng cửa vài tuần. Hoạt động tham quan tại Công viên Dodabetta thu hút nhiều du khách cũng phải tạm dừng. Nếu không sớm xử lý những con hổ nêu trên, nhiều gia đình sẽ lâm vào cảnh chết đói vì không ai dám ra ngoài đi làm.
Thực ra, hổ hiếm khi xem người là con mồi nên nạn nhân không bị kéo lê hay thật sự bị ăn thịt. Hầu hết những vụ tấn công là do nạn nhân xuất hiện không đúng nơi, đúng lúc. Dù vậy, các vụ tấn công liên tiếp trong thời gian ngắn vẫn khiến dân Ấn Độ lo ngại về sự xuất hiện của những con hổ ăn thịt người.
Ấn Độ hiện có khoảng 1.700 con hổ sống trong tự nhiên, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy vậy, có chưa đến 85 người bị thương hoặc chết mỗi năm do bị hổ tấn công, ít hơn nhiều so với số người chết do rắn cắn hoặc bệnh dại. Vấn đề ở đây là người dân rất sợ hổ và hầu như không phân biệt được đâu là một vụ tấn công vô tình hay cố ý.
Giết hay bắt sống?
Trước đây, người đứng đầu cơ quan bảo vệ đời sống hoang dã địa phương ở Ấn Độ được quyền xác định một con hổ có ăn thịt người hay không, từ đó bật đèn xanh cho việc tiêu diệt nó. Tuy nhiên, trước làn sóng giết hổ vô tội vạ, Bộ Môi trường Ấn Độ vào năm ngoái đã ra quy định mới, chỉ cho phép giết hổ một khi xác định rõ ràng nó thực sự giết người.
Các nhà bảo vệ động vật vẫn bảo lưu ý kiến nên bắt sống thay vì tiêu diệt hổ dù điều này không dễ chút nào. Ngược lại, một số chuyên gia thúc giục nhà chức trách nhanh chóng xử lý. TS Ullas Karanth, một nhà sinh vật học về hổ, giải thích với đài BBC: “Khi đã chắc chắn hổ tấn công người thì cần giải quyết ngay. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng khiến người dân gặp nguy hiểm nhiều hơn, làm họ thêm giận dữ và bớt ủng hộ công tác bảo tồn hổ”.
Không có gì lạ khi các trường hợp hổ giết người được trình báo gần đây đến từ Bandipur-Nagarahole, Tadoba, Corbett-Rajaji, Ranthambhore và Kaziranga - những vùng có mật độ loại vật này đông đúc. Điều đó cho thấy hổ được bảo tồn khá thành công ở Ấn Độ song cũng vì thế mà môi trường sống của chúng trở nên chật chội, dẫn đến việc một số con đi lang thang bên ngoài các khu bảo tồn và chạm trán với người. Ông Karanth giải thích: “Những con hổ tấn công người phần lớn sắp đến tuổi trường thành và đang tìm kiếm nơi ở mới”.
Người - voi cũng xung đột
Không chỉ hổ và người đụng độ, môi trường sống giữa người và voi ở Ấn Độ cũng bị chồng lấn. Bộ Đường sắt nước này đang hợp tác với Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) phát triển loại máy bay không người lái (UAV) bảo vệ voi sau khi thống kê cho thấy tàu hỏa tông chết ít nhất 65 con kể từ năm 2010.
Theo báo Gulf News, loại UAV này được trang bị các hệ thống nhìn rõ vào ban đêm để thông báo cho lái tàu về sự di chuyển của đàn voi. Ngoài ra, Bộ Đường sắt còn muốn phát triển loại cảm biến nhiệt và chuyển động lắp đặt trên đường ray để cảnh báo sớm khi voi xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà môi trường cho rằng giải pháp tốt nhất là di dời đường ray ra khỏi những vùng có nhiều voi sinh sống.
Bình luận (0)