Theo tạp chí Nikkei Asia ngày 19-11, mục tiêu chính của phong trào là yêu cầu chính phủ xem xét lại Đạo luật Phúc lợi trẻ em Hàn Quốc (CWA), đặc biệt là điều khoản cấm "hành vi bạo hành tâm lý" có thể gây tổn hại "sức khỏe tinh thần và sự phát triển" của trẻ.
Không ít giáo viên cho rằng điều khoản này đang được diễn giải quá rộng và những biện pháp kỷ luật thông thường - như yêu cầu học sinh quậy phá ra khỏi lớp - cũng có thể khiến giáo viên bị các bậc phụ huynh khó tính khởi kiện.
Cô Im Seo-young, một thành viên của Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, bày tỏ: "Phần lớn giáo viên dành thời gian để cảnh giác học sinh và phụ huynh, thay vì tập trung vào giảng dạy".
Giáo viên Hàn Quốc biểu tình hồi tháng 9-2023, yêu cầu được pháp luật bảo vệ mạnh mẽ hơn sau khi một giáo viên tiểu học tự sát Ảnh: REUTERS
Phong trào kể trên khởi phát từ tháng 7, khi một giáo viên tiểu học tự sát sau mâu thuẫn với phụ huynh về cách quản lý lớp học. Giáo viên ở Hàn Quốc sau đó đồng loạt lên tiếng về những áp lực khi vừa phải cân bằng quan hệ với phụ huynh, học sinh và nhà trường vừa phải bảo đảm kỷ luật trong lớp.
Luật sư Park Sang-soo nhận định học sinh đôi khi tố ngược lại giáo viên để gây áp lực, buộc giáo viên rút đơn kiện. Kể cả khi giáo viên được tuyên vô tội, danh tiếng của họ cũng bị hoen ố, khiến họ khó tìm được việc mới.
Trước những bức xúc của giáo viên, Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Khôi phục quyền giáo viên (TRRB) vào tháng 9. Cốt lõi của TRRB là làm rõ về "hành vi làm hại học sinh" và bảo vệ giáo viên trước nguy cơ sa thải vì những vụ kiện tụng học đường.
Nhấn mạnh như thế vẫn chưa đủ, giáo viên yêu cầu các nhà lập pháp thông qua dự luật tạo cơ sở pháp lý để xử phạt các phụ huynh cáo buộc sai giáo viên, đồng thời hỗ trợ giáo viên quản lý lớp học hiệu quả.
Bình luận (0)