xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học người ta cách giữ lại dấu xưa

Bài và ảnh: THẨM TUYÊN

Cái gì đã vào tranh của Van Gogh thì được giữ bất biến, kể cả những ngôi nhà phố cổ xưa. Với họ, cả ngàn đô thị hiện đại không bằng một ngôi làng cũ kỹ!

1.

Khu vườn rộng 180 ha, là tài sản thuộc "sở hữu toàn dân", được chăm sóc cẩn thận cho dân nghỉ dưỡng thoải mái.

Chủ nhật ở Sceaux, cả thành phố cùng chạy hoặc đi bộ, tùy sức. Họ chạy trên phố, chạy về công viên. Lề đường bên ngoài parc, xe hơi đậu kín mít dài cả cây số. Parc de Sceaux không chỉ của người dân Sceaux, Antony, Bourg la Reine hay Chatenay Malabry. Người dân Paris cuối tuần cũng đến. Có một doanh nhân lớn tuổi ở quận 14 nói với chúng tôi: "Tuần nào vợ chồng tôi cũng đến parc cho con chó chạy đỡ quẩn chân!".

Học người ta cách giữ lại dấu xưa - Ảnh 1.

Lữ quán Ravoux, trạm dừng 70 ngày cuối đời của Van Gogh

Toàn dân là vậy đó, người có của, người thu nhập thấp, cả con chó nữa chứ không chỉ riêng người giàu.

Parc có lâu đài, có con kênh lớn, có vườn hoa anh đào Nhật rộng cả hecta. Mỗi mùa hoa nở, dân khắp nơi và cả du khách kéo đến cắm trại, thưởng hoa.

Parc là thảm cỏ rộng mênh mông không cấm dân lên ngồi, nằm, picnic. Parc là những khoảng rừng nhỏ với cổ thụ, cây dại hoang sơ, là khu vui chơi cho trẻ, là không gian của marathon, của xe đạp thể thao, là nơi tắm nắng, là điểm của những cặp tình nhân trẻ có, già có ngồi tâm tình, ngắm đàn thiên nga, vịt cồ bơi lội; và... parc cũng là nơi dạo bước của những chú chó kiểng đủ loại, đủ thứ giống.

Các lối đi trải đá sạn nhỏ, có những đường mòn để trơ đất bùn hoặc phủ dăm bào cho thật gần với thiên nhiên.

Parc không chỉ có thảm cỏ cắt tỉa và vườn rừng bát ngát mà còn những khu rừng thấp với bụi rậm, hoa dại được cố ý duy trì khắp nơi để giảm sắc màu nhân tạo càng nhiều càng tốt. Như vậy đó, thiên nhiên gắn liền cuộc sống thay vì cứ bị bê-tông hóa. Cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên, vậy mới đáng sống.

Tôi thấy rõ điều này ở công quốc Luxembourg, ở Hà Lan, ở Metz, ở Rodemack, ở Eguisheim, ở Sarlat, ở Provence, ở Maroc, ở Bénin...

Đi cả buổi sáng mới chỉ 1/10 parc. Nhìn parc, chợt nghĩ nếu nó ở xứ ta, chắc đã biến thành những khu biệt thự nhà ở cao cấp, những trung tâm thương mại hoành tráng, những khu nghỉ dưỡng 5 sao...

Và khi đó người dân chẳng có phổi để thở, chẳng có chỗ để chạy, để picnic. Dân vô parc nào cũng phải trả tiền. Vài parc nhỏ như Tao Đàn vừa nhân tạo, mất nét thiên nhiên vừa khiêm tốn so với 10 triệu dân, chỉ đáng coi là công viên của một vài phường lân cận. Còn Thảo Cầm Viên Sài Gòn thì cây ngày càng thưa, cỏ ngày càng mỏng, mùi đất nồng nàn khuất xa vào quá khứ vì bị xi-măng hóa, diện tích đã nhỏ còn bị cắt bớt làm bãi cho thuê để đậu ôtô và hàng quán lều chòi ăn uống thì mọc khắp nơi trong cái khoảnh đất gọi là vườn của chim của cỏ nhỏ xíu!

Học người ta cách giữ lại dấu xưa - Ảnh 2.

Một ngày chủ nhật ở Parc de Sceaux

2.

"Một ngày hoặc một ngày nào khác anh tin rằng anh sẽ tìm ra cách để mở cho mình một cuộc triển lãm trong một quán cà phê".

Hơn bất cứ điều gì, những dòng này của Vincent Van Gogh gửi cho người em Théodore Van Gogh ngày 10-6-1890, còn in trên tường căn phòng 7 m² tồi tàn mang con số 5 phía sau lữ quán Ravoux, không bao giờ bị quên lãng.

Đó là tiếng thở dài của quá khứ trăm năm mà ngay lần đầu gặp, nó đã không thôi ám ảnh tôi kể từ chuyến viếng thăm tình cờ ngôi làng huyền thoại mến khách Auvers sur Oise.

Đó chỉ là một ngôi làng nhỏ cách ngoại ô Paris 38 km, có một lâu đài không mấy nổi tiếng, có ngọn đồi cao, ngôi nhà thờ nhỏ. Vậy thôi. Ngôi làng khá lặng lẽ.

70 ngày trước khi tự tử ở Auvers, người bất tử đã tạo ra 80 tranh. Một vài trong số đó được dùng trang trí trong tang lễ của ông. Nhưng không bức nào đem lại cho ông một cuộc sống tự lực, nếu không có nguồn trợ cấp của Théodore.

Nhà thờ Notre Dame của Auvers sur Oise, tòa thị chính, những bậc thang và các cô gái quê, cánh đồng lúa mì và những con quạ đen, sống mãi với lời tự sự gửi Théo tháng 6-1890: "Lúa mì trải dài bát ngát và anh không bị phiền phức gì trong việc tìm cách thể hiện nỗi buồn và niềm cô đơn cực độ".

Tôi không mệt mỏi khi theo những bước chân của Van Gogh đến tận nghĩa trang hôm 11-9-2015. Nơi ông và người em Théo an nghỉ dưới thảm lá hoa xanh kết nối 2 nấm mồ. Thương anh quá, mấy tháng sau Théo từ trần, vợ Théo quyết định chuyển thi hài ông từ Hà Lan sang Auvers để đời đời anh em sum họp.

Thương người họa sĩ lang thang nghèo nàn suốt kiếp, du khách ngày càng đổ về đông. Họ không chỉ đến "nhà của Van Gogh" - lữ quán Ravoux - mà nhiều đoàn xe du lịch mang biển số đủ mọi quốc tịch châu Âu, đến thẳng mộ ông. Tôi thấy du khách Trung Quốc đông nhất; Hàn, Nhật kế tiếp và nhiều đoàn học sinh cỡ cấp 2 của Pháp, du khách Canada, Mỹ...; du khách Việt lần trước chỉ có tôi và con trai, lần thứ hai với gia đình thông gia, lần ba cùng vợ con và cô em dâu, lần thứ tư với ba ông bạn già trong chiều rất muộn từ Giverny về, không còn du khách Việt nào khác. Họ đang bận rộn ở đại lộ Haussman, ở Printemps, Lafayette.

Thử tưởng tượng nếu không có Van Gogh dừng bước lãng du 2 tháng ở đây rồi lặng lẽ ra đi, chỉ có người em trai kịp đến bên cạnh và người bạn già bác sĩ Gachet, Auvers sur Oise có lẽ mãi là một làng quê bé tí vô danh, không thể được biết đến ở tầm quốc tế như ngày nay.

Trong một thư khác, Van Gogh nói với em về Auvers: "Nơi đây có đủ sắc màu, cảnh vật đã được sắp xếp sẵn giờ đây anh chỉ cần thời gian để đưa chúng vào tranh".

Và, người lang thang vẽ rong Van Gogh, 37 năm trong cuộc đời thay đổi 38 chỗ ở, để lại những dấu chân trên khắp nẻo đường Auvers, hậu thế bèn tạo ra những miếng plaque tròn bằng đồng trên có khắc chữ Vincent để chỉ rõ: Đây là những nẻo đường chàng họa sĩ nghèo từng đi qua để biến Auvers thành bất tử. Vậy đó, Van Gogh đã hoàn thành mỹ mãn bút pháp của riêng mình ở Auvers và cho Auvers sur Oise.

Xóa lữ quán Ravoux và những công trình dân dụng lân cận đủ để xây nên một đô thị hiện đại cho nhà giàu mới hốt tiền tỉ. Bôi đen công viên có tượng Van Gogh trên bản đồ, thay vào đó một tháp thương mại 50-60 tầng. Van Gogh chỉ là một ông Tây ba-lô thôi mà! Nhà thờ trong tranh đã cũ. Hãy gán cho nó cái tội "không sửa được" hoặc sửa sẽ tốn kém gấp bội lần xây mới, thế là sẽ có ngôi nhà thờ bê-tông cốt thép hiện đại, rực rỡ sắc màu, tha hồ hãnh diện.

Nhưng, người Auvers kiên quyết không làm vậy dù núp dưới lý do chính đáng "phát triển kinh tế". Cái gì đã vào tranh của Van Gogh, cái đó được giữ bất biến, kể cả những ngôi nhà phố cổ xưa. Không phải chính quyền biết sợ dân mà thật ra họ có bản lĩnh văn hóa và học thức thật sự nên họ không bao giờ muốn làm vậy. Họ hiểu cả ngàn đô thị hiện đại không bằng ngôi làng cũ kỹ. Chắc vậy thôi!

Trên những bước chân Van Gogh hôm nay đầy ắp những nụ cười tự hào luôn nở trên môi người Auvers và những giải thích, hướng dẫn tận tình, khi gặp khách lạ.

Tôi tin rằng tôi sẽ còn trở lại, một mình hoặc hướng dẫn ai đó có cùng ý thích với những cánh đồng lúa mì, với những bậc thang dẫn lên ngôi nhà thờ mà, hơn trăm năm rồi vẫn được nâng niu như báu vật. 

Viết tại vườn Luxembourg, trưa 7-5-2019

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo