Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 2-9 nhận định sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc tác động lên kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn dự tính ban đầu, nhất là đối với những thị trường đang phát triển.
Trong báo cáo dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) ở thủ đô Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 4 và 5-9, IMF cho rằng sự trồi sụt ở thị trường chứng khoán Trung Quốc và những yếu tố khác, như dòng vốn đảo chiều, đang gia tăng rủi ro lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Sự chuyển dịch của Trung Quốc sang thời kỳ tăng trưởng chậm hơn dù vẫn phù hợp với dự báo nhưng dường như có ảnh hưởng lớn hơn dự kiến, thể hiện rõ qua sự sụt giảm của giá hàng hóa và chứng khoán” - báo cáo nhận định.
Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1% có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt 0,5%. Vì thế, nếu dự báo của Công ty Lombard Street Research (Anh) chính xác - tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay thấp hơn 3% so với mức công bố 7% - thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm đến 1,5%. Trước mắt, báo cáo của IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu ở 3,3% trong năm 2015. Dù vậy, báo The Wall Street Journal dẫn lời bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, hôm 2-9 cho biết cơ quan này dự định giảm mức dự báo tăng trưởng nói trên trong báo cáo công bố vào tháng 10. “Tình hình đang thay đổi và chúng ta đều cảm nhận được tác động của việc Trung Quốc tái cân bằng và hướng đến một mô hình kinh doanh được điều chỉnh lại” - bà Lagarde lo lắng. Trang tin Bloomberg nhận định đã đến lúc những nước nào phụ thuộc vào “sự tăng trưởng ngoạn mục” của Trung Quốc cần điều chỉnh để giảm thiểu thiệt hại. Chính sự kém khởi sắc của kinh tế Trung Quốc đã đẩy giá các nguyên liệu thô như dầu và đồng xuống thấp, từ đó ảnh hưởng đến nhiều nhà xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Brazil và Nga.
Ngoài kinh tế Trung Quốc, IMF còn lo ngại về những tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất cơ bản trong năm nay - lần đầu tiên trong 7 năm. Một lãi suất cao hơn sẽ khiến dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sang Mỹ và làm tăng giá trị đồng USD. Điều này không chỉ gây biến động trong các thị trường toàn cầu mà còn đẩy các doanh nghiệp mắc nợ bằng USD tại những nền kinh tế đang nổi gặp khó. Tờ China Daily hôm 3-9 cũng cho rằng Hội nghị G20 sắp tới không nên quá tập trung vào kinh tế Trung Quốc mà quên đi những hậu quả từ kế hoạch tăng lãi suất cơ bản của FED.
Đối mặt những mối đe dọa nói trên, IMF khuyên các nước phát triển tiếp tục nới lỏng tiền tệ và duy trì những chính sách tài khóa “thân thiện với tăng trưởng”, đồng thời tiến hành những cải cách cơ cấu để khuyến khích đầu tư, tiêu dùng. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển rơi vào thế khó hơn nhiều, đòi hỏi giới lãnh đạo cần “cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và xử lý những yếu kém của kinh tế”. Riêng với Trung Quốc, IMF kêu gọi nước này tiếp tục cải cách bất chấp sự lao dốc của thị trường chứng khoán.
Mặt khác, trong nỗ lực trấn an thị trường, Tổng Giám đốc IMF Lagarde nhận định các nước châu Á nhìn chung đang có màn thể hiện “khá tốt” bất chấp những dấu hiệu bất ổn của kinh tế thế giới thời gian qua. Theo bà, châu lục này vẫn tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu.
Bình luận (0)