Ngày 21-5, phát biểu tại phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại TP Hiroshima - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.
Cùng hành động để giải quyết các thách thức
Với quan điểm hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và tự cường.
Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thủ tướng khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến hai bên trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỉ yen Ảnh: VGP
Các nhà lãnh đạo G7 và khách mời chia sẻ quan điểm về các vấn đề thời sự quốc tế có tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu; khẳng định cam kết cùng hành động để giải quyết các thách thức, kiềm chế leo thang căng thẳng tại các điểm nóng; kêu gọi các nước đề cao trật tự quốc tế tự do, rộng mở dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
Phiên họp đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông và khẳng định lại quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
3 dự án ODA lớn từ Nhật Bản
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc 2 bên hoàn thành thủ tục cam kết vốn chương trình ODA thế hệ mới cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với quy mô 50 tỉ yen và nhất trí sẽ giao các bộ, ngành phụ trách trao đổi về khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế…
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam. Hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỉ yen (khoảng 500 triệu USD).
Dự tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh…
Tối ngày 21-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về nước, kết thúc thành công tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản.
Bình luận (0)