xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồi sinh “thị trấn ma”

Phạm Nghĩa

Những địa phương bị bỏ hoang hứa hẹn mang lại nguồn thu du lịch không nhỏ, giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn ở Ý

Ý hiện có gần 20.000 “thị trấn ma” nằm rải rác ở ven bờ biển và các khu vực nông thôn trên cả nước. Những địa phương này từng rất đông đúc, nhộn nhịp trước khi trở nên hoang tàn vì một loạt lý do như chiến tranh, thiên tai (động đất, lũ lụt…), điều kiện sống khắc nghiệt và tình trạng di cư đến những thành phố lớn hơn.

Tác động của thiên tai

Cư dân thị trấn Ostana, vùng Piedmont gần đây đã hân hoan chào đón thành viên nhỏ tuổi nhất sau 28 năm không có em bé nào chào đời tại khu vực này. Tính cả bé trai Pablo nói trên, Ostana hiện chỉ có vỏn vẹn 85 cư dân thường trú. Khoảng 1 thế kỷ trước, địa phương này có hơn 1.000 người sinh sống nhưng sau đó nhanh chóng sụt giảm do tỉ lệ sinh lao dốc kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Nằm cách TP Napoli khoảng 70 km về phía Đông Bắc, thị trấn cổ Apice thuộc tỉnh Benevento chìm vào quên lãng một phần vì lý do thiên tai. Vào năm 1962, 2 trận động đất làm rung chuyển Apice, khiến 17 người chết. Gần 6.500 người sống sót được sơ tán đến một thị trấn mới gần đó. Một số ít cư dân - bao gồm người đứng đầu thị trấn - từ chối rời bỏ nhà cửa và quyết định sống cạnh những ngôi nhà của họ cùng một số tàn tích thời Trung cổ như lâu đài, nhà thờ và tu viện. Tuy nhiên, tất cả rồi cũng lần lượt bỏ đi vì không chịu đựng được cảnh hoang phế và buồn tẻ.

 

Thị trấn Apice bị bỏ hoang sau 2 trận động đất năm 1962 Ảnh: DAILY MAIL
Thị trấn Apice bị bỏ hoang sau 2 trận động đất năm 1962 Ảnh: DAILY MAIL

 

Ở phía Nam TP Napoli, thị trấn Roscigno ngoài hứng chịu động đất còn bị lũ lụt tàn phá vào những năm 1900, khiến người dân địa phương đi tha hương gần hết. Năm 1950, chính quyền ra lệnh cho những người cuối cùng phải rời khỏi Roscigno. Hiện tại, du khách tới đây vẫn có thể tìm thấy một vài con dao, cái kéo hoặc đồ nội thất bên trong những ngôi nhà đổ nát.  Không bị thảm họa thiên nhiên tàn phá nhưng ngôi làng Croce nằm cạnh bờ biển tại vùng Campania vẫn bị con người ruồng bỏ để chạy theo cuộc sống đô thị hóa với nhiều tiện nghi hiện đại.

Làm sống lại lịch sử

Nhiều thị trấn, làng mạc và hòn đảo khắp nước Ý cũng chịu chung số phận trên, nhất là khi giới trẻ lũ lượt tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc tốt hơn ở bên ngoài.  Người ta ước tính Ý có khoảng 20.000 “thị trấn ma”, một con số khiến không ít người xót xa. Vì thế, đã xuất hiện những nỗ lực nhằm hồi sinh những nơi bị bỏ hoang nói trên.

Doanh nhân Orazio Ciardo, đến từ TP Napoli, đang có ý định mang lại sức sống mới cho hòn đảo núi lửa Santo Stefano, tọa lạc ở biển Tyrrhenus, thuộc dãy san hô vòng tuyệt đẹp gần thủ đô Rome. Đây từng là nơi giam giữ đủ loại người phạm pháp trong vài thế kỷ qua trước khi bị bỏ hoang. Nhà tù trên đảo vẫn thuộc sở hữu nhà nước nhưng ngôi làng bao quanh nó giờ là của ông Ciardo, người có kế hoạch xây dựng một khu nghỉ mát dành cho người thích khỏa thân, tận dụng môi trường tự nhiên tại chỗ.

Cũng với mong muốn làm sống lại lịch sử huy hoàng của nước Ý bằng việc tái thiết các địa phương bị bỏ hoang, doanh nhân Paolo Galante, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, đã mua lại ngôi làng cổ Foro Appio tại vùng Lazio vào những năm 1990 để xây dựng khách sạn hiện đại cùng khu nghỉ dưỡng. Trong khi đó, doanh nhân người Đức gốc Ý Michael Filtzinger lại có hướng đi khác: khôi phục nét văn hóa truyền thống tại ngôi làng nhỏ Borgo Castelluccio nằm trên những ngọn đồi gồ ghề ở vùng Abruzzo.

Cha ông Filtzinger vào năm 1986 mua lại ngôi làng từng là nơi sinh sống của gái mại dâm, những tên cướp sừng sỏ và phần tử chống phát xít này. Sau khi thừa kế ngôi làng từ cha mình, liên tục 10 năm, ông Filtzinger chi hơn 4 triệu euro mua vật liệu xây dựng để khoác cho nó một bộ mặt mới. Ông Filtzinger cho biết những điều mình làm không phải vì lợi nhuận mà bởi sự quyến rũ của lịch sử, nghệ thuật và niềm đam mê sâu sắc của bản thân.

 

Đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng”

Những “thị trấn ma” ở Ý hứa hẹn mang lại nguồn thu du lịch không nhỏ, giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trang tin Ozy dẫn một báo cáo gần đây cho thấy lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật nếu được khai thác tốt hơn có thể mang lại cho nước Ý thêm 234 tỉ USD/năm. Rome đang hy vọng sẽ hồi sinh “thị trấn ma” bằng nhiều biện pháp như đầu tư vào các hoạt động văn hóa và du lịch để tạo thêm việc làm và thu hút giới trẻ. Một số nơi như thị trấn Gangi tại vùng Sicily “tuyển người đến ở” bằng cách cho họ sở hữu miễn phí các ngôi nhà hoang, chỉ cần chủ mới chịu bỏ tiền sửa sang lại đôi chút.

Ngoài ra, đã xuất hiện ý kiến cho rằng nước Ý có thể đối phó cuộc khủng hoảng di dân hiện nay bằng cách cho họ đến sống tại các “thị trấn ma” để giúp thúc đẩy du lịch, kinh tế tại những địa phương này. Những người ủng hộ xem giải pháp này là “một mũi tên trúng hai con chim”: Người di cư có nơi ở và việc làm. Đổi lại, những công sức họ bỏ ra hứa hẹn sẽ giúp “thị trấn ma” trở về từ “cõi chết”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo