Để có buổi tiệc đáng nhớ nói trên, GetUp đã bỏ ra 31.000 đô la Úc trong một cuộc đấu giá hồi tháng 6 năm ngoái do CLB báo chí Úc tổ chức. Một nhóm vận động hành lang chống hôn nhân đồng tính cũng tham gia cuộc đấu giá nhưng thất bại vào giờ chót.
Khó tránh khỏi
Ba cặp khách mời đồng tính của bà Gillard chụp ảnh kỷ niệm với hai con trai của bà Sandy Miller. Ảnh: ABC
Cặp cuối cùng là ông Steve Russell, 51 tuổi và anh John Dini, 29 tuổi. Trái với cặp nói trên, hai người này từ chối làm đám cưới ở nước ngoài vì nó “vô nghĩa” ở Melbourne, thủ phủ bang Victoria, quê hương họ. Mặc dù được luật pháp công nhận là “tác hợp dân sự”, họ đánh giá là không công bằng.
Đài truyền hình ABC dẫn lời các cặp đồng tính cho biết bà thủ tướng đã lắng nghe những lời than phiền của khách về chuyện luật pháp cấm họ làm đám cưới. Tiến sĩ Dane chia sẻ: “Bà ấy vẫn bảo lưu quan điểm chống hôn nhân đồng tính nhưng bà cũng nói rõ là mọi sự sẽ thay đổi. Hợp thức hóa hôn nhân đồng tính sẽ là điều khó tránh khỏi trước áp lực quốc tế”.
Quốc hội Úc hiện đang xem xét 3 dự luật về hôn nhân đồng tính. Hình thức công nhận pháp lý cao nhất về việc sống chung của 2 người đồng tính hiện hành ở Úc là “tác hợp dân sự”. Hiện có 4/6 bang và 1/2 vùng lãnh thổ áp dụng hình thức này.
Vấn đề chính trị nhạy cảm
Mỹ là một trong những nước có ý kiến trái chiều về hôn nhân đồng tính gay gắt nhất. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17-2, ông Chris Christie, thống đốc bang New Jersey, đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính mặc dù nó đã được thông qua ở hạ và thượng nghị viện bang.
Là một người thuộc Đảng Cộng hòa bảo thủ theo đạo công giáo, việc ông Christie chống hôn nhân đồng tính không có gì là khó hiểu. Ông Christie cho rằng cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề hôn nhân đồng tính mới bảo đảm công bằng và ông sẵn sàng làm theo ý dân.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Christie hành động thuần túy do toan tính chính trị vì ông có tham vọng ra ứng cử tổng thống năm 2016 với chủ đề chống người đồng tính, một tầm nhìn mà nhà báo Joe Nocera trên tờ The New York Times đánh giá thua xa người đồng nhiệm Andrew Cuomo, thống đốc bang New York. Ông này đã mạnh dạn ký luật hôn nhân đồng tính, bởi 4 năm nữa xã hội sẽ thay đổi và chuyện hôn nhân đồng tính không còn là một đề tài tranh cử hấp dẫn cử tri nữa. Mỹ hiện có 8 bang, bao gồm cả thủ đô Washington, công nhận hôn nhân đồng tính.
Xu hướng tất yếu
Biểu tình ủng hộ hôn nhân đồng tính ở San Francisco, bang California (Mỹ) năm 2009. Ảnh: S.V
Một trong những yếu tố dẫn đến luật hóa hôn nhân đồng tính là sức khỏe. Cách đây 2 năm, đại học y tế công cộng Malman - Mỹ công bố kết quả một công trình nghiên cứu khoa học về sức khỏe tâm thần những người đồng tính nam, nữ và lưỡng tính, theo đó bệnh rối loạn tâm thần đã gia tăng gấp đôi trong cộng đồng người đồng tính ở các bang cấm họ cưới nhau. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy cấm đoán hôn nhân đồng tính làm gia tăng bệnh HIV/AIDS hằng năm với tỉ lệ 4/100.000.
Ngược lại, ở những nơi cho phép kết hôn chính danh, những người đồng tính cảm thấy thoải mái hơn, không bị ức chế dẫn đến hành vi phạm pháp và cống hiến cho xã hội nhiều hơn.
Nói chung, xu hướng công nhận hôn nhân đồng tính trên thế giới là không thể đảo ngược. Từ ngày Hà Lan đi tiên phong (năm 2001), đến nay đã có ít nhất 10 nước hợp thức hóa hôn nhân đồng tính bằng văn bản pháp luật và 24 nước khác công nhận dưới hình thức “tác hợp dân sự” và đăng ký sống chung. Hiện có 250 triệu người (4% dân số thế giới) sống trong các vùng công nhận hôn nhân đồng tính.
Bình luận (0)