Trong số này, khoảng 30 người đã chết tại bệnh viện Abbasi Shaheed, 9 người khác thiệt mạng tại bệnh viện Lyari General và 6 người qua đời ở bệnh viện Karachi.
Trong khi đó, ông Seemin Jamali, trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện Jinnah Postgraduate, cho hay hơn 100 người đã chết vì chịu không nổi đợt nắng nóng tại bệnh viện này.
Hầu hết những người thiệt mạng là đàn ông trên 50 tuổi. Nhiều bệnh nhân cho biết họ đã bất ngờ ngã quỵ vì nắng nóng và cảm thấy khó thở.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sindh Saeed Mangnejo cho biết: “Kể từ hôm 20-6 đã có 131 người thiệt mạng tại TP Karachi và 9 người khác chết tại 3 huyện của tỉnh Sindh”.
Ông cho biết chính quyền tỉnh đã áp đặt tình trạng khẩn cấp ở tất cả các bệnh viện, không chấp nhận đơn xin nghỉ phép của các bác sĩ và nhân viên y tế khác, đồng thời tăng nguồn cung cấp các thiết bị y tế.
Theo phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Edhi, hơn 150 thi thể đã được đưa đến nhà xác ở Karachi. Tuy nhiên, người này nói thêm rằng không phải tất cả họ đã chết vì nắng nóng mà một số đã chết vì bệnh tật.
Các xe cứu thương chở thi thể người thiệt mạng. Ảnh: Dawn
Nhiệt độ tại Karachi, thành phố cảng miền Nam lớn nhất Pakistan, đã đạt đến 45 độ C trong ngày 20-6, gần bằng đợt nắng nóng lên đến 47 độ C hồi tháng 6 năm 1979. Cơ quan Khí tượng Pakistan cho biết nhiệt độ có khả năng sẽ giảm bớt trong những ngày tới nhưng các bác sĩ khuyên người dân nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tình hình càng thêm tồi tệ bởi tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở nhiều khu vực tại TP Karachi, nơi có 20 triệu dân sinh sống. Công ty cấp nước cũng cho biết tình trạng cúp điện khiến hoạt động cấp nước ở Karachi bị tê liệt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Nawaz Sharif đã cảnh báo sẽ không để yên cho các công ty điện lực nào để xảy ra tình trạng mất điện.
Bình luận (0)