Đến ngày 13-7, có 70 trạm thủy văn trên toàn Trung Quốc trong tình trạng báo động. Hạ lưu Trường Giang đoạn qua Giám Lợi, cho tới hồ Động Đình, hồ Bà Dương và Thái Hồ, hiện ở trong tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là khu vực hồ Bà Dương.
Chiều 13-7, mực nước sông Trường Giang đoạn ở Nam Kinh, ở phía Đông tỉnh Giang Tô ở mức 10,1 m, vượt mức báo động 1,4 m.
Mực nước tại trạm thủy văn Lư Sơn của hồ Bà Dương, thuộc tỉnh Giang Tây, đã tăng lên 22,6 m lúc sáng 13-7, phá vỡ kỷ lục 22,52 m năm 1998, và cao hơn mức báo động 19 m.
Sông Trường Giang đoạn ở Nam Kinh vượt mức báo động 1,4 m. Ảnh: mw.cn
Với 46 triệu dân, tỉnh Giang Tây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất những tuần qua, khi sông Trường Giang có lượng mưa lớn nhất nhiều thập kỷ. Nhà chức trách dự báo sẽ có đợt mưa mới bắt đầu từ ngày 14-7.
Nhà chức trách Trung Quốc ngày 14-7 cảnh báo khả năng xảy ra lũ lớn ở các khu vực phía Bắc sau khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nơi ở miền Nam nước này. Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho rằng so với trước đây, lượng mưa năm nay dữ dội hơn và liên tục đổ xuống cùng một khu vực, gây áp lực đáng kể trong việc kiểm soát lũ lụt.
Theo Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Diệp Kiến Xuân, một số khu vực phía Bắc Trung Quốc có thể sẽ hứng lượng mưa nhiều hơn bình thường, khi khu vực này chuẩn bị bước vào mùa mưa, thường từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 8.
Cụ thể, lũ lớn có thể xảy ra ở các lưu vực sông Tùng Hoa, Hải Hà, Liêu Hà, Hoài Hà và khu vực trung lưu sông Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc hôm 12-7 nâng mức phản ứng chống lũ lên cấp 2, mức cao thứ hai trong 4 cấp. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ủy ban Thủy lợi sông Trường Giang cho biết đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc (hệ thống kiểm soát lũ lớn nhất trên hệ thống sông Trường Giang) đã giữ lại một nửa dòng chảy so với ngày 7-7. Tuy nhiên vẫn xuất hiện những lo lắng về khả năng chống chịu của đập Tam Hiệp.
Tân Hoa Xã ngày 13-7 dẫn thông tin từ quân đội Trung Quốc cho biết hơn 7.000 quân nhân từ lục quân được triển khai tới khu vực phía Đông Trung Quốc để tham gia hoạt động phòng chống lũ và cứu hộ khẩn cấp.
Thiệt hại kinh tế do hư hại tài sản ở các tỉnh lên tới 9 tỉ USD. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo Thông tin của Ban Phòng chống Lụt bão và Hạn hán Trung Quốc, lũ lụt trong năm nay đã khiến 27 tỉnh thành ở Trung Quốc, bao gồm Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Trùng Khánh… bị ảnh hưởng nặng nề.
Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) (thuộc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)) cho biết có 37,89 triệu người bị ảnh hưởng, 141 người chết và mất tích.
Nhân viên cứu hộ đang trên đường vận chuyển người bị kẹt ở phía Đông tỉnh Giang Tây. Ảnh: Tân Hoa Xã
Phà sơ tán người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ ở TP Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, ngày 13-7. Ảnh: China Daily
Ngoài ra còn có khoảng 29.000 căn nhà bị đổ sập. Hơn 2,2 triệu người ở 27 tỉnh thành phải sơ tán do lũ lụt. Lũ lụt đã làm hư hại hơn 510.700 ha hoa màu, thiệt hại kinh tế do hư hại tài sản ở các tỉnh lên tới 9 tỉ USD.
Trong ngày 13-7, chính quyền Bắc Kinh cho biết đã dành tổng cộng 85,7 triệu USD để khắc phục thiên tai trong 5 khu vực bị ngập lụt. Theo Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp và Bộ Tài chính nước này, 5 khu vực đó gồm các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và khu vực Trùng Khánh.
Bình luận (0)