Một công chức tên Kathy Yip, 26 tuổi, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng chính quyền nên đáp ứng các yêu cầu thay vì đẩy cảnh sát ra tiền tuyến như một lá chắn".
Hàng ngàn công chức tham gia cuộc biểu tình tối 2-8 đã chặn các con đường lớn ở khu thương mại trung tâm. Trước đó, một nhóm tuyên bố đại diện cho giới công chức Hồng Kông đã viết một bức thư ngỏ trên Facebook, có đoạn: "Hiện tại, người dân Hồng Kông đang trên bờ vực sụp đổ. Thật đáng tiếc khi chứng kiến sự áp bức cực độ".
Nhóm này đề ra 5 yêu cầu dành cho chính quyền đặc khu: rút hoàn toàn dự luật dẫn độ; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là "bạo loạn"; huỷ cáo buộc chống lại những người bị bắt; mở cuộc điều tra độc lập và nối lại cải cách chính trị.
Hàng ngàn công chức đã tham gia biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông hôm 2-8. Ảnh: Reuters
Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra bất chấp cảnh báo của Hồng Kông hôm 1-8 rằng 180.000 công chức tại đặc khu phải giữ quan điểm trung lập về chính trị. "Vào thời điểm khó khăn này, họ phải đoàn kết và làm việc cùng nhau để duy trì các giá trị cốt lõi của nền công vụ" – chính quyền Hồng Kông kêu gọi.
Ban tổ chức cho biết hơn 40.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hôm 2-8 nhưng cảnh sát đưa ra con số 13.000 người. Ngoài công chức, hàng trăm nhân viên y tế cũng biểu tình phản đối cách xử lý tình huống của chính quyền. Các cuộc biểu tình quy mô lớn khác được lên kế hoạch vào cuối tuần này tại các quận Mong Kok, Tseung Kwan O và Western.
Nhà chức trách đã bắt giữ 8 nghi phạm (7 nam và 1 nữ), bao gồm một nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập, ở quận Sha Tin, khu Tân Giới, sau khi thu giữ vũ khí và vật liệu nghi dùng để chế tạo bom trong một cuộc đột kích.
Để cảnh báo người biểu tình, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú tại Hồng Kông hôm 31-7 công bố một đoạn video quay cảnh diễn tập "chống bạo động" và lên án biểu tình bạo lực là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả làn sóng biểu tình ở Hồng Kông là "bạo loạn". Ông cho rằng Trung Quốc sẽ phải tự giải quyết vấn đề này.
Bình luận (0)