Phát biểu sau khi tham vấn với các nhà lập pháp, bà Lâm cho biết các cuộc tranh luận về dự luật trong tháng này sẽ bị hủy nhưng không nói rõ khi nào được nối lại. Dù vậy, nhà lãnh đạo này tỏ ý nhiều khả năng dự luật khó có thể được thông qua trong năm nay.
Theo bà Lâm, chính quyền đã có nhiều nỗ lực để thu hẹp bất đồng và xóa tan những hoài nghi và việc hoãn dự luật được kỳ vọng có thể giúp xoa dịu lòng dân. Bà nhấn mạnh chính quyền lắng nghe với thái độ cởi mở trước những ý kiến về dự luật và sẽ tham khảo ý kiến của các thành viên hội đồng lập pháp trước khi có bất kỳ bước đi mới nào.
Người dân Hồng Kông theo dõi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu hôm 15-6 Ảnh: REUTERS
Theo kế hoạch ban đầu, dự luật dẫn độ được tranh luận trong ngày 12-6 nhưng bị hoãn lần 2 sau khi hàng ngàn người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Theo báo The Straits Times (Singapore), bà Lâm nói rõ dự luật sẽ không bị rút lại và cho rằng quyết định hoãn nhằm khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt. Trả lời các câu hỏi của phóng viên, bà Lâm cho biết Bắc Kinh "tôn trọng và ủng hộ" quyết định của chính quyền Hồng Kông nhưng không đề cập chuyện có từ chức hay không.
Bất chấp sự nhượng bộ trên, phe chống đối tuyên bố vẫn sẽ tiến hành một cuộc biểu tình quy mô lớn trong ngày 16-6. Các thủ lĩnh biểu tình nhấn mạnh yêu cầu của họ là dự luật được rút lại, bà Lâm phải ra đi và chính quyền rút lại cáo buộc cuộc biểu tình là hành động "bạo loạn". Chuyên gia Sing Ming thuộc Trường ĐH Khoa học và Công nghệ (Hồng Kông) nhận định vấn đề nằm ở chỗ dự luật sẽ bị hoãn trong bao lâu. Theo chuyên gia này, sau vụ việc, áp lực chính trị sẽ tăng, gây khó khăn cho chính quyền bà Lâm trong việc thực hiện các hoạt động của chính quyền trong tương lai.
Trước những diễn biến căng thẳng về dự luật dẫn độ, một số tài phiệt Hồng Kông bắt đầu chuyển tài sản cá nhân ra nước ngoài. Một cố vấn tài chính giấu tên cho hãng tin Reuters biết một tài phiệt Hồng Kông đã bắt đầu chuyển hơn 100 triệu USD từ tài khoản ở một ngân hàng địa phương sang tài khoản ngân hàng tại nước ngoài. "Xu hướng này đã bắt đầu. Chúng tôi nghe được thông tin những người khác cũng đang làm điều tương tự… Nỗi sợ ở đây là dự luật có thể cho phép Bắc Kinh tịch thu tài sản ở Hồng Kông" - người này nói với hãng tin Reuters.
Nếu dự luật dẫn độ được thông qua, tòa án Trung Quốc có thể yêu cầu tòa án Hồng Kông đóng băng và tịch thu tài sản liên quan đến các hoạt động tội phạm diễn ra tại đại lục.
Bình luận (0)