Bà Lâm đã giành chiến thắng trước 2 ứng cử viên còn lại sau cuộc bỏ phiếu của một ủy ban gồm 1.200 thành viên, phần lớn là các nhân vật có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh.
Trong khi đó, đa số người dân trong số 7,3 triệu người sống ở đặc khu Hồng Kông không có quyền quyết định lãnh đạo của họ.
Bà Lâm, người sẽ trở thành đặc khu trưởng Hồng Kông vào ngày 1-7, giành được 777 phiếu bầu so với 365 phiếu của người đứng thứ 2, cựu thư ký tài chính John Tsang (Tăng Tuấn Hoa).
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, bà Lâm nói: "Hồng Kông, quê hương của chúng ta, đang phải hứng chịu một sự chia rẽ nghiêm trọng. Ưu tiên của tôi sẽ là hàn gắn sự chia rẽ, xoa dịu sự thất vọng và đoàn kết xã hội để tiến lên phía trước".
Bà Lâm cam kết sẽ tuân thủ những lời hứa trong cuộc bầu cử, bao gồm việc triển khai thuế lợi tức "hai tầng", giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, giải quyết vấn đề giá nhà đất tăng cao bằng cách tăng nguồn cung đất đai và tăng chi tiêu giáo dục.
Trong khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào sáng 26-3, một số cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra bên ngoài nơi bỏ phiếu. Người biểu tình tập trung phản đối "sự can thiệp" của Bắc Kinh trong cuộc bầu cử do có thông tin về hoạt động vận động hành lang với 1.200 cử tri để họ ủng hộ bà Lâm thay vì ông Tăng, người được ủng hộ nhiều hơn trong các cuộc thăm dò.
Nhà hoạt động vì dân chủ Hoàng Chi Phong, người cũng tham gia cuộc biểu tình, đã gọi quá trình bầu cử là "một sự lựa chọn chứ không phải cuộc bầu cử".
Nhiều người e ngại bà Lâm sẽ đi theo đường lối chính sách của người tiền nhiệm thân Bắc Kinh, ông Lương Chấn Anh.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!