Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 26-6 dẫn lời cảnh sát Hồng Kông cho biết một đơn vị mang tên "Đội hộ tống" (FEG) sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn xe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập dự kiến thăm đặc khu vào ngày 29-6 trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đồng thời tham gia lễ tuyên thệ của tân chính quyền vào ngày 1-7. Theo đó, bà Carrie Lam Cheng Yuet-ngor sẽ tiếp quản quyền lực.
Thanh tra an ninh Steven Chong Kam-yan cho biết tất cả 59 thành viên của "Đội hộ tống" sẽ đi theo đoàn xe của Chủ tịch Tập Cận Bình bằng mô-tô hoặc các phương tiện hiện có. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của nhóm chưa được tiết lộ.
"Dựa trên những kinh nghiệm trước đó, chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Nó đòi hỏi tất cả thành viên của "Đội hộ tống" phải có mặt" – ông Chong nói. Cách thức hộ tống các nhân vật VIP thông thường là cảnh sát đi mô-tô tạo thành hình mũi tên phía trước đoàn xe.
"Sau các vụ tấn công khủng bố ở những nước khác, chúng tôi phân tích chiến thuật, thời gian và địa điểm, liên tục trau dồi nghiệp vụ để ngăn ngừa những sự cố tương tự xảy ra ở Hồng Kông" – ông Chong đề cập tới một số vụ lao xe tải vào đám đông ở châu Âu gần đây.
“Đội hộ tống” (FEG) của Hồng Kông. Ảnh: SCMP
Hồi tháng 5-2016, ông Chong là một trong những nhân viên an ninh đã ngăn chặn nhà hoạt động Joshua Wong khi anh cùng 4 người khác cố gắng tiếp cận đoàn xe chở ông Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) – quan chức cấp cao thứ ba của chính quyền Bắc Kinh. Năm người này bị bắt nhưng sau đó được thả tự do.
Lực lượng FEG bao gồm cảnh sát giao thông, ra đời từ năm 1986. Vào những năm đầu, nhóm thực hiện nhiệm vụ hộ tống cho Nữ hoàng Anh và các thành viên khác trong gia đình hoàng gia. FEG cũng thường bảo vệ các đoàn xe chở những mặt hàng giá trị hoặc nguy hiểm. Hồi năm ngoái, FEG đã thực hiện tổng cộng 102 nhiệm vụ.
Những người làm công việc hộ tống phải thông thuộc đường sá để kịp thay đổi lộ trình nếu gặp biểu tình.
Về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hồng Kông của ông Tập 9 năm trở lại đây. Năm 2008, ông Tập không đến Hồng Kông bằng máy bay mà di chuyển bằng xe hơi qua trạm kiểm soát biên giới Lok Ma Chau.
Trước đó, vào các năm 1992, 2000 và 2005, ông Tập cũng đến Hồng Kông nhiều lần để thúc đẩy thương mại và tìm kiếm các công ty nước ngoài phát triển cơ sở hạ tầng.
Bình luận (0)