“Thiên Long bát bộ” lấy bối cảnh Đại Lý từ thời Bảo Định đế Đoàn Chính Minh tại vị, trong đó có nói đến môn phái Tiêu Dao với những môn võ học thượng thừa như Bắc minh thần công, Lăng ba vi bộ. Một điều lý thú là trong thực tế Đoàn Chính Minh cũng bỏ ngôi xuất gia với đạo hiệu Tiêu Dao pháp sư.
Thế lực họ Cao
Trong “Thiên Long bát bộ”, Đoàn Chính Minh hiện ra với hình dáng “râu dài, mặc hoàng bào, mặt mũi hiền từ”, công phu Nhất dương chỉ đạt đến mức thượng thừa. Theo lời của Đoàn Diên Khánh thì Đoàn Chính Minh là người cướp ngôi khiến y phải lưu lạc tha phương...
Sau khi Đoàn Chính Thuần qua đời thì Đoàn Chính Minh quyết định nhường ngôi cho Đoàn Dự dù biết Đoàn Dự là con của Đoàn Diên Khánh (?). Thực ra, những tình tiết trên hoàn toàn là hư cấu và là chỗ “lạc bút” viết không đúng so với chính sử.
“Thiên Long bát bộ” viết: “Nhằm năm Thượng Đức thứ năm, Thượng Đức đế bị gian thần là Dương Nghĩa Trinh giết chết. Sau người cháu là Đoàn Thọ Huy được vị trung thần Cao Trí Thăng phò tá giết Dương Nghĩa Trinh, đưa lên kế vị hiệu là Thượng Minh đế. Thượng Minh đế không muốn làm vua, trị vì được một năm rồi xuất gia đầu Phật nhường ngôi báu lại cho đường đệ là Đoàn Chính Minh tức Bảo Định Đế... Nguyên Cao Thăng Thái là con vị công thần Cao Trí Thăng. Hồi đó sở dĩ trừ gian diệt nịnh được toàn là nhờ công Cao Trí Thăng cả”.
Năm 1074, con của Đoàn Tư Liêm là Đoàn Liêm Nghĩa lên ngôi, là Thượng Đức đế, hoàng đế thứ 12 của Đại Lý. Vua vốn sùng Phật, năm 1080, trong lần tổ chức đại pháp hội “Thiên Long bát bộ”, nhân lúc triều bái, lãnh chúa là Dương Nghĩa Trinh thừa cơ đâm chết Thượng Đức đế, nhanh chóng phát động chính biến đoạt ngôi lên làm vua, xưng là Quảng An đế.
Lúc Dương Nghĩa Trinh giết vua, Cao Trí Thăng đang là Thiện Xiển Hầu, cai quản vùng Côn Minh ngày nay, liền truyền lệnh cho con trai là Cao Thăng Thái khởi binh về triều dẹp loạn. Dương Nghĩa Trinh làm vua được 4 tháng đã bị Cao Thăng Thái bắt được chém đầu thị chúng.
Thượng Đức đế Đoàn Liêm Nghĩa không có con. Và đây chính là chỗ nhà văn Kim Dung “thừa cơ” sáng tạo ra một thái tử Đoàn Diên Khánh đứng đầu “Tứ đại ác nhân” tìm về Đại Lý đòi Đoàn Chính Minh trả lại giang sơn cho mình.
“Đoàn Liêm Nghĩa có một người con trai là thái tử Diên Khánh, song sau khi gian thần Dương Nghĩa Trinh giết vua cướp ngôi thì không thấy thái tử Diên Khánh đâu nữa. Ai cũng cho là thái tử Diên Khánh bị Dương Nghĩa Trinh hạ sát rồi” (lời của Cao Thăng Thái trong “Thiên Long bát bộ”).
Kỳ thực, không có một tài liệu nào trong chính sử và dã sử nói đến Đoàn Diên Khánh hoặc con của Đoàn Liêm Nghĩa mà chỉ có Đoàn Khánh là Đại Lý tổng quản đời thứ 4, được nhà Nguyên phong làm Tham chính tỉnh Vân Nam, qua đời năm 1307.
Cao Thăng Thái cùng triều thần lập cháu của Đoàn Liêm Nghĩa là Đoàn Thọ Huy lên nối ngôi, tức Thượng Minh đế, còn Cao Thăng Thái được lập làm thừa tướng. Đoàn Thọ Huy tức vị năm 1080, bỗng xảy ra điềm gở “trời đất tối tăm, sao mọc ban ngày”. Đoàn Thọ Huy phiền lòng liền nhường ngôi cho Đoàn Chính Minh, còn mình xuất gia ở Vô Vi Tự, pháp danh là Thực Đăng.
Theo “Truyền đăng lục”, Thực Đăng pháp sư tinh về thiền tĩnh, thường ở trong hang động, tĩnh tọa tham thiền, công phu thâm hậu, có thể mấy tháng không ăn. Sau vào sơn động bế quan tọa hóa, “lúc này trời phóng hào quang, đất mọc sen vàng, tướng lành hiện khắp, bèn thành chính quả”.
Vị hoàng đế phong lưu
Đoàn Chính Minh từ nhỏ chuyên cần học tập, “cùng chú là Đoàn Thọ Xương du học ở Thành Đô, tính cẩn thận, kiệm ước. Chính Minh văn tài xuất chúng, giỏi thư pháp; võ nghệ siêu quần, đặc biệt tinh kiếm thuật, đao pháp”. Năm 1081, Đoàn Chính Minh được cha con Cao Thăng Thái ủng hộ lên ngôi, Cao Thăng Thái được phong Thiện Xiển Hầu.
Không biết vì lý do gì, Đoàn Chính Minh sau khi đăng cơ lại rất ham vui chơi, việc chính sự giao cả cho Cao Thăng Thái. Chính Minh chọn 5 hậu phi tài sắc, đều thông hiểu âm nhạc, thi phú, đưa đi khắp nơi, du sơn ngoạn thủy, ngâm thơ thưởng nhạc. Mỗi tháng, Chính Minh chỉ cùng triều thần nghị quốc sự 3 ngày, thời gian còn lại thì ngao du hoặc đốt hương bái Phật.
Ông thường nói kiếp trước là tỳ kheo chốn Phật môn, do lục căn không tịnh nên tuy có đại công đức vẫn bị quả báo xuống thế gian. Chính Minh tự xưng Tiêu Dao hoàng đế, cho xây dựng 300 ngôi chùa nhỏ, 99 ngôi chùa lớn, lại nói rằng: “Nếu làm xong 100 ngôi chùa lớn thì sẽ nhường ngôi đi tu”.
Đoàn Chính Minh làm vua 12 năm, quần thần đều biết vua không có lòng lo việc nước, quân không thao luyện, chúng thần biếng lười. Cao Thăng Thái với Đoàn Chính Minh vốn là chỗ thâm giao, thường khuyên vua lo chính sự làm trọng. Chính Minh nói: “Ngôi hoàng đế là của bậc hiền, mười mấy năm qua, việc nước đều do ông quản, còn ta là cư sĩ tiêu dao, vậy nên nhường vị xuất gia mới phải”.
Liền hạ lệnh xây Phật Quốc Tự ở sau núi Điểm Thương. Một năm sau, chùa xây xong bèn triệu tập quần thần thiền vị cho Cao Thăng Thái, còn mình xuất gia thọ giới ở Vô Vi Tự, 3 tháng sau về Phật Quốc Tự. Năm hậu phi cũng thọ giới cư sĩ, lập am Minh Nguyệt ở sau chùa.
Những trước tác của Đoàn Chính Minh có: “Lăng Già thích nghĩa”, “Nam Trung già lam ký”́, “Tiêu Dao cư sĩ thi từ”, “Tiêu Dao hòa thượng văn tập”; du ký có “Danh sơn thắng lãm” gồm 12 quyển.
Mang vàng đi... xuất gia
Đoàn Chính Minh sau khi xuất gia, trong hơn 30 năm đi khắp các danh sơn của Đại Tống. Quốc thổ Đại Lý vốn nhiều vàng bạc, có đến hơn 40 mỏ khai khoáng vàng bạc, người trong nước thường dùng vỏ sò để giao dịch mua bán, còn vàng bạc thường dùng trao đổi với Trung Nguyên.
Theo “Vô Vi Tự Truyền đăng lục”, Chính Minh xuất gia được chia 1 kho vàng, mỗi lần sang Trung Nguyên thường dùng 20 con lừa chở đầy vàng bạc để chi dụng. Trung Nguyên vốn nhiều đạo tặc nhưng Tiêu Dao hòa thượng cùng bọn thủ hạ đều là cao thủ võ lâm, một địch nổi trăm, nên đạo tặc nghe tin đều tránh xa. Về cuối đời, Đoàn Chính Minh ở ẩn trong Đãng Sơn, lập Đại Minh Đường sau chùa Dược Sư.
Kỳ tới: Cướp ngôi và nhường vương vị
Bình luận (0)