icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Huyền thoại” về Savimbi

Xuân Việt

Theo tường thuật của phóng viên đài truyền hình Bồ Đào Nha, 15 viên đạn đã kết liễu cuộc đời của Jonas Savimbi, người sáng lập Liên minh Quốc gia Vì sự độc lập hoàn toàn cho Angola, gọi tắt là UNITA, hôm 22-2.

Cái chết của thủ lĩnh UNITA được dân chúng ở Luanda, thủ đô nước Angola, hoan nghênh và hy vọng sớm chấm dứt một cuộc nội chiến kéo dài gần 25 năm, giết chết khoảng 500.000 người và làm cho khoảng 4 triệu dân Angola phải rời bỏ nhà cửa của mình, tức 1/3 dân số của Angola. Cuộc chiến này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở châu Phi.

Cuộc đời của Jonas Savimbi được chia ra nhiều giai đoạn, khá phức tạp vì có nhiều chi tiết gây tranh cãi liên miên và nhiều câu hỏi về y không có câu trả lời rõ ràng. Một số sử gia viết tiểu sử của Savimbi thoạt đầu ca ngợi y hết lời nhưng sau này đã thú nhận rằng mình là nạn nhân của một tên lừa đảo chính trị. Ngay mục tiêu của UNITA do Savimbi thành lập năm 1966 cũng được nhiều người diễn giải khác nhau. Có người nói UNITA đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha. Nhưng cũng có người cho rằng Savimbi phục vụ lợi ích Bồ Đào Nha, chỉ điểm các tổ chức chính trị đối lập với UNITA cho Bồ Đào Nha.

Theo đài BBC, Jonas Savimbi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bie, thuộc cao nguyên trung phần Angola, cách đây 67 năm. Savimbi nói được ba ngoại ngữ là Bồ Đào Nha, Anh và Pháp mà y sử dụng trong những cuộc đàm phán với các chính khách đối lập với y và trong những cuộc gặp gỡ với báo chí. Nói chuyện với dân, Savimbi dùng ngôn ngữ địa phương là Ovimbundu. Savimbi thường được gọi là “tiến sĩ” vì, nghe đâu, y có bằng tiến sĩ (Ph.D) của trường Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. Kể từ khi Angola trở thành một nước độc lập từ thực dân Bồ Đào Nha vào năm 1975, Savimbi đấu tranh giành quyền lãnh đạo Angola nhưng chưa bao giờ thành công. Cơ hội tốt nhất cho Savimbi là vào tháng 11-1975 khi Angola lập chính quyền chuyển tiếp. Lúc đó, địch thủ chính của UNITA là MPLA (Phong trào Nhân dân giải phóng Angola). Cuộc tranh giành quyền lực làm nổ ra một cuộc nội chiến, MPLA giành thắng lợi, còn Savimbi và UNITA phải rút lui vào rừng sâu. Vốn là người rất ái mộ ông Mao Trạch Đông, Savimbi bắt chước gọi cuộc rút quân này là “Trường Chinh”.

UNITA sau đó đứng vững và lớn mạnh nhờ sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền Nam Phi (lúc đó còn chế độ Apartheid - phân biệt chủng tộc) và Mỹ. Nam Phi ở trong tình trạng chiến tranh với Angola suốt 15 năm (1975-1990), còn Mỹ ủng hộ Savimbi vì UNITA là tổ chức chống cộng hung hăng nhất chống lại chính quyền MPLA được Cuba và Liên Xô hỗ trợ. Năm 1986, Savimbi còn được Tổng thống Ronald Reagan mời đến Nhà Trắng. CIA, thông qua nước Zaire, đã cung cấp vũ khí và tiền bạc cho 60.000 quân UNITA để chống lại MPLA. Đáp lại, Savimbi mời các nghị sĩ và nhà báo Mỹ đến thăm tổng hành dinh của y ở Jamba để nghe y rao giảng về dân chủ ở Angola. Từ 1989 đến 1991, chính phủ và UNITA hai lần ký kết ngưng bắn. Cuối tháng 9-1992, Angola tiến hành tổng tuyển cử. Lúc này, Mỹ và Nam Phi đã bỏ rơi UNITA vì tình hình thế giới đã thay đổi, chiến tranh lạnh đã kết thúc. Chính phủ của Tổng thống Jose Eduardo dos Santos thân Mỹ. Cộng đồng quốc tế dàn xếp những cuộc ngưng bắn. Savimbi đồng ý tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 1992 và UNITA thất cử nặng nề. Trung thành với chiến thuật “ăn làm vua, thua làm giặc”, Savimbi không công nhận kết quả bầu cử, phá vỡ hiệp định ngưng bắn, đánh chiếm Huambo, thành phố lớn thứ nhì của Angola trong một cuộc chiến có 12.000 người chết vào tháng 3-1993. Tháng 11-1994, Savimbi lại ký một hiệp định ngưng bắn nữa rồi lại phá vỡ nó.

Xác chết của Savimbi được đài truyền hình nhà nước Televisao Popular de Angola trình chiếu công khai hôm thứ bảy vừa qua. Theo đài này, quân đội chính phủ đã truy kích Savimbi và một nhóm chức sắc UNITA ở khu vực Maxico miền Đông Angola, khi họ tìm cách vượt hai con sông. Đến con sông thứ hai, Savimbi và 21 thành viên UNITA, trong đó có hai chức sắc cao cấp là Big Jo và Bula, đã bị bắn chết. Nghe nói Catarina, một trong bốn bà vợ của Savimbi, bị thương đang được chữa trị ở bệnh viện địa phương. Xác Savimbi đã được chở đến Lucusse, cách thủ đô Luanda 768 km để chôn.

Cựu tổng thống Reagan từng gọi Savimbi là “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”, nhưng một cựu quan chức Nhà Trắng từng ủng hộ Savimbi nhận xét: “Có thể y là người thông minh nhất mà tôi đã gặp nhưng cũng là người rất nguy hiểm, thậm chí bị rối loạn thần kinh”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo