Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết Athens sẽ lập tức trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, sẽ khó có thỏa thuận nhanh chóng dù Ủy ban châu Âu (EC) và Liên minh châu Âu (EU) đều tổ chức họp vào ngày 6 và 7-7.
Một số quan chức châu Âu xem lá phiếu "không" đồng nghĩa với việc người dân Hy Lạp thẳng thừng bác bỏ đàm phán với các chủ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa lại vào ngày 7-7 theo đúng kế hoạch. Dù vậy, sau 1 tuần đóng cửa, các ngân hàng Hy Lạp đang cần một đợt cứu trợ khẩn cấp mới từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tránh kịch bản hết sạch tiền mặt chỉ trong vài ngày tới.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 6-7 tổ chức một hội nghị đa phương tiện, nhiều khả năng sẽ tiếp tục cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp ở mức hạn chế hiện nay, theo các nguồn tin của Reuters.
Dù vậy, với tốc độ rút tiền lúc này (dù đã hạn chế ở mức 60 euro/ngày), các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ rất vất vả. Kèm theo đó là nỗi lo thiếu hụt xăng dầu và thuốc men ngày càng tăng.
Trong trường hợp các ngân hàng Hy Lạp sụp đổ, hàng triệu người dân sẽ mất tiền tiết kiệm, các công ty phá sản. Tiếp theo hết thực phẩm nhập khẩu, nguyên liệu thô và thuốc men, đồng nghĩa với việc Hy Lạp rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trong 2 giải pháp mà Hy Lạp có thể nghĩ tới bây giờ, một là Ngân hàng Hy Lạp cung cấp các khoản vay không bảo đảm - mà không được sự cho phép của ECB - tới các ngân hàng trong nước. Cách làm này sẽ khiến các nhà lãnh đạo châu Âu tức giận và có thể xem là tín hiệu Athens rời bỏ đồng euro. Giải pháp thứ hai là sử dụng lại đồng Drachma mới nhưng Athens đã phủ nhận việc sử dụng 2 đồng tiền song song.
Tập đoàn tài chính J.P. Morgan (Mỹ) nhận định khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng Euro (Eurozone) đang ở mức rất cao. "Sau lá phiếu 'không' là cuộc chạy đua với các áp lực chính trị để giành được thỏa thuận với bộ ba chủ nợ, chống lại sự rối loạn của hệ thống ngân hàng tại Hy Lạp" - nghiên cứu của tập đoàn này nhấn mạnh.
Các cuộc thăm dò nhiều tháng gần đây cho thấy người dân Hy Lạp muốn ở lại Eurozone nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5-7, 61% cử tri bỏ phiếu “không”.
Bà Eleni Deligainni, 43 tuổi, nói về lý do bỏ phiếu “không”: “Tôi đã thất nghiệp gần 4 năm nay và tự nhủ phải kiên nhẫn. Nhưng chúng tôi đã lãnh đủ nghèo khổ và thất nghiệp rồi". Nhiều cử tri bỏ phiếu "không" không tin những cảnh báo rằng Hy Lạp sẽ phải rời Eurozone.
Bình luận (0)