Đức cuối cùng đã tỏ dấu hiệu nhượng bộ trước sức ép ngày càng tăng về việc xóa nợ cho Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm 9-7 thừa nhận Hy Lạp sẽ cần đến tái cấu trúc nợ như là một phần của bất kỳ chương trình cho vay mới nào.
Cùng ngày, Hội đồng châu Âu kêu gọi các bên nhượng bộ về vấn đề trên. Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cũng cho rằng gánh nặng nợ - hiện ở mức 320 tỉ euro, tương đương 177% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - sẽ quá sức chịu đựng của Athens nếu các chủ nợ của khu vực đồng euro (Eurozone), nhất là Đức, không chịu xóa bớt nợ.
Tái cấu trúc nợ cùng với gói cứu trợ mới trị giá 53,5 tỉ euro trong 3 năm là những nội dung trong đề xuất mới nhất mà Hy Lạp gửi đến các nhà lãnh đạo Eurozone hôm 9-7. Đổi lại, theo trang EUobserver, Athens cam kết khắc khổ hơn nữa để tiết kiệm 13 tỉ euro, nhiều hơn con số 8 tỉ euro được đưa ra trong các đề xuất tăng thuế, cắt giảm chi tiêu bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân mới đây.
Phần lớn đề xuất mới tương tự những gì đã gửi cho các chủ nợ 2 tuần trước nhưng “mạnh tay” hơn trong cải cách thuế giá trị gia tăng và lương hưu. Cụ thể, đề xuất sẽ bỏ kế hoạch hỗ trợ thêm lương hưu cho những người nghèo nhất vào năm 2019, sớm hơn 1 năm so với đề xuất trước. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng được thống nhất ở mức chuẩn 23% nhằm giúp mang lại nguồn thu tương đương 1% GDP trong lúc chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm 300 triệu euro trong 2 năm tới. Gây tranh cãi hơn, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras còn đề xuất tăng thuế đối với người thu nhập thấp nếu xảy ra thiếu hụt tài chính. Không mấy bất ngờ khi các đảng đối lập tỏ ra ủng hộ bản đề xuất này trong khi nó vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của nhiều chính trị gia đảng cầm quyền Syriza - những người cho rằng đó là sự nhượng bộ đáng kể đối với châu Âu. Bởi gói đề xuất này bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà châu Âu đòi hỏi. Trong cuộc họp với các nghị sĩ đảng Syriza ở Athens, Thủ tướng Tsipras đã kêu gọi đảng này ủng hộ gói đề xuất cải cách tài chính nói trên, đồng thời ông nhấn mạnh “không được phép đưa Hy Lạp ra khỏi khối đồng euro”.
Đề xuất này được quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu trong ngày 10-7. Bộ ba chủ nợ bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ phải hoàn tất đánh giá đề xuất mới này của Hy Lạp trước khi bộ trưởng tài chính các thành viên Eurozone họp khẩn trong ngày 11-7 để thảo luận và sẽ trình kết luận lên Hội nghị thượng đỉnh Eurozone một ngày sau. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để ngăn Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Theo BBC, quốc hội Hy Lạp nhiều khả năng sẽ thông qua bản đề xuất. Tuy nhiên, với mức tăng thuế và cải cách lương hưu tương tự với những yêu cầu của chủ nợ, không rõ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại sao phải chờ tới phút chót đưa ra đề xuất như vậy, sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hôm 5-7 rồi ăn mừng chiến thắng một cách đình đám.
Theo Telegraph, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định các đề xuất của Athens “nghiêm túc và đáng tin cậy”, đồng thời thể hiện quyết tâm ở lại khối đồng euro của người Hy Lạp. Trong khi đó, Thủ tướng Ý cho biết ông rất lạc quan và hy vọng thỏa thuận có thể đạt được giữa Hy Lạp và các lãnh đạo eurozone vào ngày 11-7, thế nên cuộc họp vào một ngày sau đó sẽ không cần thiết nữa.
Trong phiên giao dịch ngày 10-7, thị trường tài chính toàn cầu đã xuất hiện những dấu hiệu tăng trở lại khi các nhà đầu tư bắt đầu có cơ sở để kỳ vọng Hy Lạp và khối đồng euro sẽ đạt được thỏa thuận cứu trợ. Các thị trường chứng khoán trọng điểm ở Đức và Pháp đều tăng hơn 2% trong khi các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 tại Mỹ đều tăng hơn 1%.
Bình luận (0)